Cố Thủ tướng Phan Văn Khải qua lời kể của bác sĩ riêng

Do xơ vữa động mạch, cố Thủ tướng Phan Văn Khải tin tưởng đặt stent mạch vành tại Việt Nam dù nhiều phương án ra nước ngoài được đưa ra nhưng ông vẫn tin tưởng đội ngũ bác sĩ trong nước.

BS Cường và cố Thủ tướng Phan Văn Khải. (Ảnh chụp năm 2008 do BS Cường cung cấp)

Nguyên thủ đầu tiên đặt stent mạch vành ở Việt Nam

“Trong cuộc đời của tôi, tôi vinh dự khi được cận kề chăm sóc sức khỏe cho cố Thủ tướng Phan Văn Khải và tự hào vì đã cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, tôi chỉ có một điều trăn trở là không khuyên nhủ được bác giảm hút thuốc lá khiến một phần ảnh hưởng đến bệnh tình” - BS Trần Thế Cường, một trong những bác sĩ công tác tại BV Thống Nhất nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cố Thủ tướng Phan Văn Khải, chia sẻ.

Những ngày qua, khi linh cữu cố Thủ tướng Phan Văn Khải được đưa về quê nhà Củ Chi và di quan ra Hội trường Thống Nhất, ông cũng chạy đôn chạy đáo trực phục vụ tang lễ như một người thân trong gia đình.

BS Cường cho biết ông nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cố Thủ tướng từ đầu năm 2007, khi ông thôi làm Thủ tướng trở về quê nhà ở TP.HCM. Lúc đó cố Thủ tướng đã ngoài 70 tuổi. 

Ngày càng lớn tuổi, cố Thủ tướng cũng không thể thoát khỏi những căn bệnh tuổi già ập đến. Do đó năm 2010, ông bị căn bệnh mạch vành do xơ vữa động mạch tấn công. Một cuộc hội chẩn gồm nhiều chuyên gia sức khỏe của Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương đã diễn ra ở Hà Nội để bàn phương án chữa bệnh tốt nhất cho cố Thủ tướng. Trong đó đặt ra phương án qua các nước thực hiện thủ thuật đặt stent mạch vành.

Sau khi tham khảo các ý kiến, cố Thủ tướng Phan Văn Khải chọn đặt stent mạch vành ở BV Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) với lý lẽ ở trong nước làm được thì việc gì phải ra nước ngoài, đội ngũ bác sĩ trong nước có tay nghề cũng không thua kém gì các nước và minh chứng là nhiều ca đặt stent mạch vành đã thành công.

“Làm được thì làm luôn”, cũng câu nói ấy, lần thứ hai cố Thủ tướng nhập BV Thống Nhất (TP.HCM) lại không đắn đo và hoàn toàn tin tưởng vào các bác sĩ Việt Nam tiếp tục đặt stent mạch vành cho mình vào tháng 7-2017.

“Có thể nói, cố Thủ tướng Phan Văn Khải là nguyên thủ đầu tiên đặt stent mạch vành ở Việt Nam. Sự tin tưởng của cố Thủ tướng với đội ngũ bác sĩ Việt Nam là niềm khích lệ rất lớn đối với đội ngũ ngành y tế nói chung của chúng tôi” - BS Cường bày tỏ.

Ngày ra viện, cố Thủ tướng bắt tay cảm ơn từng bác sĩ trong êkíp. Sau hai ca phẫu thuật, cố Thủ tướng đều hài lòng và tình trạng bệnh cải thiện rất tốt. Tuy nhiên, căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhiều năm đã không tha cho ông, cộng với thói quen hút thuốc lá đã đánh bại ông. Những ngày cuối cùng ở BV Chợ Rẫy, dù được các bác sĩ dốc sức tận tình cứu chữa, cố Thủ tướng đã ra đi nhưng điều an ủi là ông được mất trong vòng tay của những người thân yêu. 

“Phải chi tôi cố gắng khuyên bác đừng hút thuốc lá nữa, có lẽ bác sẽ sống lâu hơn” - BS Cường ngậm ngùi.

"Đừng phiền người ta"

BS Cường (ngoài cùng, bên phải) chụp ảnh cùng gia đình cố Thủ tướng Phan Văn Khải vào năm 2013. (Ảnh do BS Cường cung cấp)

Gần gũi với cố Thủ tướng Phan Văn Khải, BS Cường vẫn nhớ ấn tượng ngày đầu tiên gặp ông.

BS Cường kể khi biết người sẽ cận kề chăm sóc sức khỏe cho mình, cố Thủ tướng không hề hỏi những vấn đề chuyên môn mà hỏi thăm về gia đình, con cái, cuộc sống của mình khiến ông lập tức cảm thấy thân tình, ấm áp.

“Mới đó mà đã 12 năm tôi ở bên bác. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, tôi coi bác như một người cha, người chú ruột thịt. Vẫn biết sinh lão bệnh tử, ai rồi cũng phải lìa cõi trần nhưng bác ra đi tôi cảm thấy mất mát, thương nhớ lắm” - BS Cường tâm sự về tình cảm ông dành cho cố Thủ tướng không chỉ là công việc.

Do cố Thủ tướng ở Củ Chi khá xa nên BS Cường thường xuyên tới lui và ở lại cùng gia đình. Đến bữa cơm, mọi người phục vụ cùng BS Cường ngồi quây quần một mâm cơm với cố Thủ tướng.

“Ra Hà Nội làm cán bộ cấp cao đến người đứng đầu một nước, khi trở về nhà khẩu vị của cố Thủ tướng vẫn là những món canh bí, rau luộc, cá trê kho đạm bạc, mang đậm hương vị miền Nam. Chính vì thế, mỗi lần đi công việc với bác, người tháp tùng đều không phải lo lắng chuẩn bị khẩu phần cho bác bởi mọi người ăn gì là bác đều ăn nấy, không phân biệt” - BS Cường kể lại sự giản dị, gần gũi của cố Thủ tướng.

BS Cường và cố Thủ tướng Phan Văn Khải. (Ảnh chụp năm 2009 do BS Cường cung cấp)

Cố Thủ tướng còn tâm lý khi một thời gian, thấy BS Cường đi lại Củ Chi hơi xa, ông đề xuất cử một bác sĩ ở BV huyện Củ Chi phụ nắm tình hình sức khỏe của mình để BS Cường đỡ đi lại vất vả. Trong thời gian chăm sóc sức khỏe cho cố Thủ tướng, BS Cường cũng có nhiều dịp cùng ông ra thăm lại những con người đã cưu mang ông và gia đình lúc ra Bắc tập kết. Dù trong số đó, nhiều người do tuổi cao sức yếu đã mất nhưng con cháu họ vẫn coi cố Thủ tướng như người trong gia đình.

Sự giản dị của cố Thủ tướng Phan Văn Khải còn thể hiện ở những lần ra vô bệnh viện để khám bệnh. Khi thấy bảo vệ đi trước chuẩn bị có ý nhắc nhở người đi khám bệnh cản đường, cố Thủ tướng vội kéo áo lại nhắc: “Đừng làm phiền, khó dễ người ta, cứ để họ tự nhiên”.

Tương tự vậy, khi đến phòng khám bệnh, cố Thủ tướng kiên nhẫn đợi người đến trước khám hết rồi mới vào. “Mình đến sau thì phải chờ là đúng rồi, đừng chen ngang, giành ưu tiên khi người ta đang chờ khám” - BS Cường nhớ mãi những bài học nho nhỏ của vị cố Thủ tướng gần dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm