Còi to quá, đèn sáng quá: Làm sao phạt?

Pháp Luật TP.HCM ngày 5-3 đã giới thiệu một số quy định trong dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt vừa được Bộ GTVT hoàn tất. Về đường bộ, nghị định này sẽ thay thế các nghị định 34/2010 và 71/2012.

Vướng vì câu chữ

Trong tờ trình Chính phủ, Bộ GTVT cho biết đã điều chỉnh các chế tài xử phạt tương ứng với tính chất, mức độ vi phạm sao cho đủ sức răn đe và khả thi. Tuy nhiên, Đội trưởng một đội CSGT khu vực trung tâm TP.HCM cho hay: Dù nhiều lần góp ý nhưng dự thảo lần này vẫn chưa sửa đổi, bổ sung biện pháp xử lý triệt để một số hành vi vi phạm.

Ông dẫn chứng: Quy định cũ đã có và dự thảo nghị định cho phép phạt từ 100.000 đến 400.000 đồng đối với hành vi tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe máy theo cà vẹt. “Hiện có nhiều người dân đổi màu toàn bộ chiếc xe nhưng chúng tôi không thể phạt được. Cụ thể, có lần chúng tôi phát hiện màu xe của thanh niên này khác với giấy đăng ký. Khi chuẩn bị lập biên bản, thanh niên vội nói: Cháu đâu có đổi màu sơn đâu, nếu chú không chịu thì cháu lột đề can ra! Thì ra anh ta dùng đề can dán, đổi màu xe nhưng màu sơn của chiếc xe vẫn không thay đổi. Nếu quy định chỉ bỏ chữ “sơn” trong hành vi này thì mọi chuyện đơn giản hơn nhiều” - vị này nói.

Còi to quá, đèn sáng quá: Làm sao phạt? ảnh 1

Hiện nhiều quy định xử phạt vi phạm giao thông gặp vướng khi triển khai. Ảnh minh họa. Ảnh: MP

Các quy định về dừng, đậu xe đang gây khó cho cơ quan chức năng cũng chưa được làm rõ hơn. Điều này khiến tình trạng ô tô “chôn chân” trong nhiều giờ liền ở các tuyến đường cấm, gây ùn ứ giao thông vẫn diễn ra. Cụ thể, “theo quy định, dừng xe là xe đứng yên nhưng vẫn nổ máy và lái xe vẫn ngồi trên xe. Cho nên nhiều lái xe cứ mở máy lạnh, ngồi nhịp giò, thậm chí đánh một giấc trên các tuyến đường cấm đậu ở trung tâm TP mà không sợ bị xử phạt” - ông Đàm Phan Phát, Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông số 1, nói.

Chậm xóa ngập trên đường, phạt ai?

Tại TP.HCM từng xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, nguyên nhân xuất phát từ những hư hỏng của hệ thống cầu, đường. Dự thảo lần này bổ sung quy định mới, có thể phạt đến 3 triệu đồng đối với tổ chức được giao quản lý, bảo trì đường bộ (ngành giao thông) nhưng không kịp thời xóa các vũng nước (thuộc trung tâm chống ngập) trên đường sau mưa…

Tuy nhiên, sự chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý hiện nay mà Pháp Luật TP.HCM đã từng phân tích; cộng với hàng loạt các lý do khách quan thường được các đơn vị liên quan viện dẫn khiến việc “truy” trách nhiệm cụ thể để xử phạt không hề đơn giản.

Thế nào là còi quá to, đèn quá sáng?

Còn nhớ, dư luận từng rất bức xúc trước các vụ TNGT chết người do việc gắn, sử dụng còi quá to hoặc đèn quá sáng. Chẳng hạn, đầu tháng 10-2012, ông Hà Quốc Tuấn chạy xe máy trên đường Nguyễn Cửu Phú (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) thì gặp vũng sình lầy nên lách ra. Đúng lúc đó, chiếc xe tải chạy phía sau nhấn còi inh ỏi làm ông Tuấn giật mình, va vào bó vỉa hè rồi ngã ra và bị chiếc xe tải trên cán chết.

Không những xe tải, rất nhiều xe buýt cũng gắn còi hơi và nhấn vô tội vạ giữa dòng xe đông đúc. Dù Bộ GTVT đã quy định mức trần tiếng còi, dự thảo mới cũng quy định những ô tô gắn hoặc sử dụng còi vượt quá âm lượng sẽ bị phạt 2,5 triệu đồng nhưng nhiều CSGT cho biết vẫn rất khó xử phạt. Lý do là họ rất lúng túng trong việc xác định “độ to” của tiếng còi làm căn cứ xử phạt (chủ yếu do không có phương tiện kiểm định tại chỗ, thủ tục đưa “tang vật” đi giám định còn nhiêu khê).

Dự thảo cũng lần đầu tiên quy định phạt tiền 150.000 đồng với hành vi sử dụng đèn chiếu sáng không đúng tiêu chuẩn thiết kế của từng loại xe máy. Quy định mới này được cho là siết lại tình trạng “độ” đèn diễn ra phổ biến, có thể gây tai nạn cho người lưu thông ngược lại do đèn quá sáng. Tuy nhiên, để xác định đúng hay sai tiêu chuẩn thiết kế thì phải có sự so sánh về ánh sáng đèn đang sử dụng và theo nhà thiết kế.

“Chúng tôi không có bản thiết kế của nhà sản xuất và cũng không có chuyên môn để xác định độ sáng của đèn đang sử dụng. Do vậy, để xem đèn đó có đúng thiết kế hay không thì phải nhờ cơ quan đăng kiểm với quy trình nhiêu khê, phức tạp. Do đó, nếu không có hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn thì quy định này khó khả thi” - vị đội trưởng Đội CSGT trên nói.

Tịch thu xe của “quái xế”

Bất kể xe đạp, xích lô hay xe máy, ô tô nếu đua trái phép trên đường đều sẽ bị tịch thu phương tiện. Quy định mới này được xem là giải pháp mạnh tay để dẹp loạn nạn đua xe trái phép ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội.

Ngoài việc tịch thu xe, “quái xế” đua xe đạp, xích lô, đua xe súc vật, cưỡi súc vật còn bị phạt 1,5 triệu đồng; đua mô tô, xe máy, xe máy điện bị phạt đến 15 triệu đồng, đua ô tô bị phạt 25 triệu đồng. Những người tụ tập để cổ vũ cũng bị phạt 1,5 triệu đồng. Người tổ chức đua xe trái phép có thể bị phạt đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, “quái xế” xe máy, ô tô còn bị giam bằng lái hai năm.

Dự thảo cũng cho phép phạt đến 5 triệu đồng đối với các lái xe hoặc người liên quan hù dọa, đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự hoặc dùng uy tín gây áp lực với CSGT, Thanh tra Giao thông.

Với hành vi chở xe quá tải, tùy theo % chở quá tải, lái xe sẽ bị phạt tiền, tạm giữ bằng lái. Chủ xe ký hợp đồng cho lái xe chở quá tải trọng thiết kế của xe cũng bị phạt 2,5 triệu đồng (nếu là cá nhân) hoặc 5 triệu đồng (nếu là tổ chức).

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm