Con vay tiền, mẹ phải trả nợ

Ngày 18-6, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm vụ kiện đòi nợ giữa bà Bùi Nguyễn Cẩm Giang và bà Nguyễn Thị Trang. Tòa đã tuyên sửa án của TAND TP Kon Tum, buộc bà Trang phải chịu trách nhiệm trả một nửa số nợ mà con gái bà (đã thành niên) vay của bà Giang.

Điều lạ là bà Trang không hề cam kết trả nợ thay con gái, bà cũng không phải là người trực tiếp vay tiền từ bà Giang - chủ nợ nhưng cuối cùng bà vẫn bị tòa tuyên buộc phải trả. Vì sao?

Sơ thẩm: Ai vay người đó trả

Theo hồ sơ, ngày 8-2-2013, con gái bà Trang có viết giấy vay của bà Giang 5,3 tỉ đồng, hẹn trả trong vòng 20 ngày. Chưa đến hạn nhưng bà Giang biết được con gái bà Trang đang nợ nhiều người khác nữa nên đến nhà đòi nợ. Con gái bà Trang trả được 2 tỉ đồng, sau đó viết giấy cam đoan trả 3,3 tỉ đồng còn lại. Giấy cam đoan này có nội dung con gái bà Trang thừa nhận số nợ còn lại và hẹn ngày trả. Giấy có chữ ký của bà Trang dưới phần “người viết giấy”, cạnh đó là chữ ký của một người làm chứng ở phần “người làm chứng”.

Hiện con gái bà Trang đã bị khởi tố về những hành vi khác. Đối với khoản tiền vay của bà Giang, công an xác định đây là quan hệ dân sự. Sau đó bà Giang kiện đòi bà Trang phải trả một nửa số nợ (1,65 tỉ đồng).

Xử sơ thẩm, TAND TP Kon Tum tuyên bác yêu cầu của bà Giang. Theo tòa, giấy cam đoan trả nợ do người con viết thể hiện nội dung cam kết sẽ trả nợ. Tuy có chữ ký của bà Trang nhưng chỉ với ý nghĩa đôn đốc con gái bà trả nợ và làm chứng việc con đã trả được 2 tỉ đồng chứ không thể hiện bà Trang cam kết sẽ cùng trả nợ với con. Giấy cam đoan này không có ý nghĩa của giấy chuyển giao nghĩa vụ dân sự theo Điều 315 BLDS. Như vậy, ai vay người đó trả, nghĩa vụ trả nợ là của con bà Trang. Tuy nhiên, do bà Giang không kiện đòi chị này nên tòa không xét.

Phúc thẩm: Không vay sao lại ký?

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Giang trình bày: “Tôi cho con gái bà Trang vay tiền nhiều lần. Sau đó mới biết chị ta bể nợ nên tôi đến nhà đòi. Chị viết giấy cam đoan trả nợ vào ngày 5-3. Tôi đã giải thích cho bà Trang rõ là ký vào để bảo lãnh. Nay tôi đòi bà Trang vì bà cùng ký giấy với con gái cam đoan trả nợ cho tôi. Tôi nghĩ hai mẹ con bà Trang cùng làm ăn chung với nhau nên bà Trang mới ký như vậy”.

Bà Trang không đồng ý trả vì cho rằng bà không có quan hệ vay mượn và không ký cam kết bảo lãnh trả nợ. Bà chỉ ký với tư cách người chứng kiến để nhắc nhở con gái trả nợ. “Tôi không làm ăn gì với Giang. Khi Giang mang tiền đến nhà cho con tôi vay, tôi có một lần cầm tiền vì con tôi vừa sinh không đi lại được. Tôi đã đưa tiền lại cho con tôi sau đó. Tuy Giang ép tôi ký nhưng tôi có đọc kỹ, thấy nội dung không liên quan đến tôi. Tôi ký nhằm làm chứng và đôn đốc con trả nợ. Tôi không ký bất kỳ giấy vay tiền nào” - bà Trang phản đối.

Đại diện VKSND tỉnh Kon Tum tham gia phiên tòa nêu quan điểm: “Việc vay mượn diễn ra giữa bà Giang và con gái bà Trang; nội dung giấy cam đoan trả nợ thể hiện chỉ người con cam đoan với chủ nợ, hoàn toàn không liên quan đến bà Trang. Án sơ thẩm đã tuyên xử đúng pháp luật, đề nghị giữ nguyên”.

Tuy nhiên, sau khi xem xét, HĐXX TAND tỉnh Kon Tum đã buộc bà Trang phải trả nửa số nợ ghi trong giấy cam đoan vì “bà Trang và con đã có lần nhận tiền của Giang, phù hợp với lời khai của Giang rằng có lần bà Trang nhận tiền và ký nhận”.

HĐXX phúc thẩm cho rằng nếu chỉ mình người con vay thì sao trong giấy cam đoan bà Trang lại ký vào phần “người viết giấy” mà không ký phần “người làm chứng”. Bà Trang và con gái bà trình bày rằng ký vào giấy cam đoan là do bị ép là không có cơ sở, bởi trước khi ký bà có đọc. Giấy cam đoan trả nợ không thể hiện nội dung bà Trang ký để đôn đốc việc trả nợ hay làm chứng. Vì vậy, bà Trang phải có trách nhiệm trả một nửa số nợ theo yêu cầu của bà Giang là 1,65 tỉ đồng.

Rõ ràng nhận định và phán quyết của tòa phúc thẩm đã trái ngược hoàn toàn với tòa sơ thẩm.


Không suy diễn bất lợi cho đương sự

Cam đoan trả nợ phải gắn liền với việc có tài sản để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ. Việc cam đoan đó phải được công chứng, chứng thực thì mới có giá trị pháp lý. Trong vụ này, ý chí chủ quan của người mẹ đã trình bày trước tòa là ký vào giấy cam đoan của con với ý chí đôn đốc con trả nợ và làm chứng việc con trả được 2 tỉ đồng. Bà thừa nhận có ký tên, có đọc nhưng không thấy liên quan đến nghĩa vụ trả nợ của bà nên mới ký.

Tòa phải xem xét đến cả giấy vay tiền và rõ ràng trường hợp này chỉ người con đứng ra vay. Trong giấy cam đoan trả nợ sau đó cũng không có dòng nào thể hiện việc người mẹ đồng ý nhận một nửa trách nhiệm. Mà trong giấy cam đoan chỉ thể hiện người vay thừa nhận trách nhiệm cá nhân thông qua đại từ nhân xưng là “tôi”. Như vậy, ai vay thì người đó có trách nhiệm trả. Người mẹ có nợ đâu mà bị buộc phải trả!

Pháp luật dân sự luôn ghi nhận sự tự nguyện của các đương sự, sự tự nguyện này phải được thể hiện trong văn bản mà nguyên đơn dùng làm chứng cứ đòi nợ. Theo tôi, tòa không thể suy diễn theo hướng bất lợi cho bị đơn kiểu như “sao không ký chỗ người làm chứng mà ký chỗ người viết giấy” hoặc “sao không ghi là tôi chỉ ký làm chứng”.

Một thẩm phán TAND Tối cao (đề nghị không nêu tên)

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm