Công an 3 tỉnh miền Đông quét tín dụng đen

Hoạt động tín dụng đen “sinh sôi nảy nở” thời gian gần đây tại nhiều nơi, đặc biệt là tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đã đẩy nhiều người vào hoàn cảnh bi đát, thậm chí bỏ mạng.

Bỏ mạng vì tín dụng đen

Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, thời gian qua, việc cho vay tiền ngoài hệ thống tín dụng hợp pháp kiểu tín dụng đen gia tăng, gây ra nhiều hệ lụy xấu ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội trên địa bàn TP. Từ đó phát sinh các hành vi trái pháp luật liên quan đến hoạt động đòi nợ như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, thậm chí giết người.

“Bên cạnh đó, có hơn 560 vụ việc người dân trình báo bị các đối tượng lạ mặt ném chất bẩn vào nhà, gọi điện thoại đe dọa người vay nợ, người nhà của họ vay tiền chưa trả dưới dạng thức gây áp lực, khủng bố tinh thần… đã gây tâm lý bất an trong quần chúng nhân dân” - ông nói và cho biết thêm công an đã xử lý nhiều vụ việc, đáng chú ý như đợt ra quân cuối năm 2018 đầu năm 2019, Tổ công tác 363 của Công an TP.HCM đã liên tục phát hiện bốn vụ, bảy đối tượng liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen.

Còn ở Đồng Nai, công an mới đây đã phát hiện, xử lý 13 nhóm với 92 người cho vay nặng lãi đang hoạt động, nhiều băng nhóm trong số này hình thành từ sự câu kết giữa các đối tượng ngoài tỉnh và người tại địa phương, trong đó TP Biên Hòa có sáu nhóm với 43 đối tượng.

Đặc biệt, một vụ án giết người liên quan đến tín dụng đen khiến dư luận hết sức quan tâm. Theo đó, Nguyễn Đức Toàn và Đào Tuấn Huynh (cùng ngụ TP Hải Phòng) của Công ty Kinh doanh cầm đồ Việt Tiến Lộc đã đòi nợ, truy đuổi rồi đẩy nạn nhân là anh Bùi Minh Tiến (38 tuổi, ngụ Bình Dương) xuống sông Đồng Nai tại khu vực cầu Ghềnh (xã Hiệp Hòa) khiến anh Tiến tử vong.

Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp, tập trung ở các khu công nghiệp phát triển. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, các đơn vị công an địa phương triển khai thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm rà soát, có kế hoạch đấu tranh quyết liệt đối với đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen, đặc biệt tại địa bàn TP Biên Hòa.

Tang vật Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương) thu giữ khi triệt xóa băng nhóm tín dụng đen núp bóng Công ty Nhất Tín. Ảnh: L.ÁNH

Hai bị can đẩy con nợ xuống sông Đồng Nai.  Ảnh: V.HỘI

Người gốc Bắc ào ạt vào Nam hoạt động tín dụng đen

Tại Bình Dương, theo Đại tá Nguyễn Văn Thơm, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Dương, công an các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã bắt giữ, khởi tố điều tra tám nhóm với 24 đối tượng về các tội liên quan đến hoạt động của tín dụng đen như cho vay nặng lãi, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản...

Tất cả băng nhóm Công an tỉnh đã triệt xóa đều có quê ở các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương… với phương thức hoạt động tương tự nhau, đội ngũ chân rết dày đặc. Họ sẵn sàng khủng bố uy hiếp bằng tinh thần hoặc vũ lực nếu con nợ không trả tiền đúng hạn.

Trong đó, mới đây nhất, Công an huyện Dầu Tiếng  đã triệt xóa đường dây tín dụng đen mà các nạn nhân chúng nhắm đến là những người lao động nghèo và công nhân. Hai người cầm đầu băng nhóm này bị bắt là Hoàng Văn Phong và Hoàng Văn Duy. Phong và Duy từ Hải Dương vào Bình Dương sinh sống rồi hùn vốn, cùng nhau đến huyện Dầu Tiếng dán quảng cáo cho vay tiền trả góp với lãi suất cao. Hầu hết các nạn nhân đều là những người lao động nghèo và công nhân. Khi các nạn nhân không có tiền trả thì liên tục bị gây sức ép, hù dọa khiến nhiều người sợ hãi phải bỏ đi khỏi địa phương.

Được biết để xử lý hoạt động tín dụng đen trong cả nước nói chung và các tỉnh Đông Nam bộ nói riêng, Bộ Công an đang tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về “tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen”, đồng thời giao nhiệm vụ cho công an các tỉnh, thành trên toàn quốc chủ động tham mưu với UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở, ngành có liên quan thực hiện nhiều nội dung nhằm xóa sổ hiện tượng này.

Tổ chức đánh bạc kèm cho vay nặng lãi

Mới đây, ngày 10-1, Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) đã bắt 13 người trong đường dây tổ chức cá độ bóng đá, đá gà trực tuyến, đánh đề… Đường dây này hoạt động thông qua hàng loạt tài khoản trên các trang Bong88.com, agl.30k30k.net… do Lâm Thanh Vũ (tức Vũ “bông hồng”) cầm đầu.

Chiều 8-1, Vũ cùng đàn em thân tín xuống Phú Quốc (Kiên Giang) chơi bời kết hợp thu tiền. Khi băng này đáp máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì bị Bộ Công an phối hợp với an ninh hàng không ập đến bắt. Cùng thời điểm, 14 vị trí khác ở các quán cà phê, nhà riêng của những người có liên quan bị trinh sát Phòng 4, đặc nhiệm cảnh sát cơ động (Bộ Công an) ập đến khám xét, bắt quả tang việc đặt cược, cá độ trên mạng.

Ngoài hoạt động đánh bạc, Vũ và nhóm đàn em được xác định còn hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm