Công an TP.HCM tập trung kiểm tra thực phẩm bẩn

Ngày 5-1, Thiếu tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, đã chủ trì buổi họp mặt báo chí, thông tin về tình hình tội phạm tại địa phương.

“Giữ tài sản trong két không có nghĩa lý gì cả”

Theo Đại tá Nguyễn Sĩ Quang, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP, trong năm 2015 đã kéo giảm 10/13 loại tội phạm, trong đó không xảy ra vụ án nào gây bức xúc dư luận. Nhiều loại án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được kéo giảm hoặc có tỉ lệ khám phá cao. Tuy nhiên, một số loại tội phạm có tình hình diễn biến phức tạp, khó khăn trong phòng ngừa, khám phá, điển hình như tội phạm trộm cắp.

Đại tá Lê Ngọc Phương, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45), cho rằng án trộm, đặc biệt là trộm đột nhập chiếm đoạt tài sản lớn tại TP.HCM trong năm 2015 phức tạp và có tỉ lệ khám phá thấp (chỉ trên 50%) là do xuất hiện những băng nhóm chuyên nghiệp với thủ đoạn hoàn toàn mới, nghiên cứu rất kỹ trước khi ra tay và đặc biệt không phải là các đối tượng cư trú tại TP.HCM như trước đây.

Đại tá Phương thông tin vừa qua lực lượng cảnh sát hình sự đã khám phá một băng nhóm trộm cắp từng gây ra nhiều vụ đột phá các cây ATM ở Khánh Hòa và các tỉnh khác; đột nhập siêu thị gây chấn động. Trong đó băng nhóm này đã đột nhập vào Siêu thị Maximark quận Tân Bình, trộm két sắt chứa tiền tỉ của các quầy hàng nhưng hệ thống camera phủ kín và lực lượng bảo vệ tuần tra ngày đêm bị vô hiệu hóa. “Khi lực lượng cảnh sát hình sự xác minh thì được biết băng nhóm này từng gây án ở Thái Lan, Campuchia và Indonesia” - ông Phương thông tin.

Trước đó tại giao ban lực lượng cảnh sát hình sự 64 tỉnh, thành cho thấy TP.HCM và các tỉnh, thành khác tỉ lệ tội phạm trộm cắp đều gia tăng. “Cất giữ tài sản trong két sắt hiện nay không có nghĩa lý gì cả, cho nên cần phải tuyên truyền sâu rộng cho người dân cảnh giác, cất giữ, thanh toán tiền qua ngân hàng, khi phát hiện tội phạm báo ngay cho công an” - Đại tá Phương nhấn mạnh về sự rủi ro của thói quen cất giữ tiền, vàng, tài sản tại nhà của người dân.

Thiếu tướng Lê Đông Phong tại buổi gặp mặt báo chí. Ảnh: VT

Hở một tí là đâm, chém

Theo Công an TP.HCM, nhóm tội phạm xâm hại tính mạng, sức khỏe năm qua giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, với tội giết người xảy ra 100 vụ, công an khám phá 90 vụ, bắt giữ 109 hung thủ. So với năm 2014, tội danh này giảm sáu vụ.

Theo Công an TP, trước đây xảy ra việc đâm chém, giết người có lý do từ mâu thuẫn xã hội. Những người trong cuộc có thời gian dài “tích trữ” mâu thuẫn nhưng không được giải quyết. Hiện tội phạm này có xu hướng bột phát. Gặp nhau cãi cọ vài câu, thậm chí cho là nhìn đểu đã “thanh toán” nhau.

“Hiện Công an TP đã có đề xuất với lãnh đạo UBND TP.HCM các biện pháp ngăn ngừa với dạng phạm tội này về cách ứng xử trong khu dân cư, ứng xử trên đường…” - một lãnh đạo Văn phòng Công an TP.HCM cho hay.

Ngoài ra, tội phạm ở vùng nông thôn cũng đang diễn biến phức tạp, khó lường vì xu hướng đô thị hóa nhanh trong khi bộ máy quản lý chưa tương thích, gây nhiều thách thức cho công tác an ninh, trật tự tại khu vực này.

Nhận diện những loại tội phạm và những biện pháp phòng ngừa, Thiếu tướng Lê Đông Phong nói: Tội phạm luôn phát sinh, phát triển do nhiều lý do như việc giải quyết công ăn việc làm còn khó khăn, việc giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử còn đặt ra nhiều vấn đề. Ông cũng nêu các giải pháp trước mắt và lâu dài cho việc đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm mới này như hoàn thiện việc quản lý dân cư để có chính sách phù hợp…

“Để khám phá tội phạm trộm, đặc biệt là trộm đột nhập chuyên nghiệp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khả năng đối phó công an chuyên nghiệp, sắp tới sẽ tập trung đầu tư các phương tiện kỹ thuật hiện đại, đầu tư trang bị, nâng cấp dữ liệu để phục vụ trong điều tra khám phá án” - Thiếu tướng Phong nói.

Tấn công mạnh vào băng nhóm

Dịp tết 2016, Công an TP.HCM tung cảnh sát hình sự đánh mạnh các băng nhóm xâm phạm tài sản trên đường phố. Phòng, chống các băng nhóm tội phạm có tổ chức, đấu tranh tận gốc, chặt đứt nguồn tài chính của họ; triển khai cảnh sát cơ động ở nhiều tuyến địa bàn trọng điểm, chủ động phát hiện, ngăn ngừa nguy cơ tội phạm khủng bố…

Công an cũng sẽ phối hợp các ngành liên quan, tập trung kiểm tra, xử lý thực phẩm bẩn, sản xuất thực phẩm không an toàn, không rõ xuất xứ, phụ gia thực phẩm công nghiệp… Tăng cường kiểm tra các nơi sản xuất, phân phối, nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm, phụ gia thực phẩm nhằm hạn chế sử dụng, lạm dụng hàm lượng quá mức để không xảy ra tồn dư trong thực phẩm.

Với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo đang có dấu hiệu tái diễn, Công an TP.HCM đã tuyên truyền và lập ban chuyên trách để đấu tranh với loại tội phạm này.

1.000 xe (ô tô và xe máy) đăng ký mới mỗi ngày tại TP.HCM và trên đường thường xuyên có khoảng 26 triệu phương tiện lưu thông. Riêng sân bay Tân Sơn Nhất có khoảng 100.000 hành khách và nhân viên ra vào mỗi ngày... Ùn tắc tại TP.HCM năm 2016 sẽ còn phức tạp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm