Công bố dịch: Không chỉ ở số ca bệnh!

Riêng Hà Nội có hơn 1.000 ca với số trẻ qua đời chiếm khoảng 1/2 trong số vừa nêu. Tỉ lệ tử vong do sởi và liên quan đến sởi trong gần bốn tháng qua gần gấp 30 lần tổng số tử vong do sởi trong chín năm gần đây.

Số ca mắc bệnh quá lớn này cộng với cách báo cáo không đầy đủ ngay từ đầu của Bộ Y tế về số trẻ tử vong cùng việc chậm báo cáo của cơ quan y tế Hà Nội là lý do để dư luận đặt câu hỏi: “Phải chăng Bộ Y tế đã giấu dịch?”, “Tại sao Hà Nội chưa công bố dịch?...”. Nhiều người còn đưa ra các thông tin đối chiếu, chẳng hạn Philippines mới có hơn 25 trẻ tử vong do sởi mà họ đã công bố dịch, hay một chuyên gia WHO tại Việt Nam cho biết: “Chỉ cần ba ca bệnh sởi đã có thể công bố dịch”… Đáp lại, tại cuộc họp báo ngày 18-4, một thứ trưởng Bộ Y tế một mặt nói “có dịch sởi”, một mặt bảo “chỉ thông báo chứ không công bố dịch” trong khi nghĩa của hai từ này đều là loan tin cho mọi người… Phía UBND TP Hà Nội thì trước đó khẳng định chưa đủ điều kiện công bố dịch.

Tạm bỏ qua những nhùng nhằng đã nêu thì ý kiến phát biểu của đại diện Bộ Y tế, của UBND TP Hà Nội (về việc không công bố dịch sởi) đúng hay sai so với quy định hiện hành?

Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì dịch là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định. Về điều kiện công bố dịch, theo Quyết định số 64 ngày 25-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ, việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện: 1. Có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh trở lên. 2. Có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ như: quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh; bệnh dịch được bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỉ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch có tỉ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả… Về thẩm quyền công bố dịch thì chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của giám đốc Sở Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, tức là loại bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong (sởi thuộc nhóm này)... Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch... đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh trở lên đã công bố dịch.

Như vậy, ngay cả khi đã có điều kiện 1 là số ca mắc bệnh sởi cũng như số trường hợp tử vong liên quan đến loại bệnh này gia tăng đáng kể so với dự tính nhưng nếu không có thêm một trong các nguy cơ của điều kiện 2 thì các nơi như Hà Nội vẫn chưa thể công bố dịch. Về phía Bộ Y tế, nếu không có hai tỉnh công bố dịch sởi thì Bộ cũng không thể công bố dịch sởi.

Mọi chuyện đã rõ! Có thể khi đề cập đến việc công bố dịch, mọi người nghĩ đến khả năng bệnh sởi ắt sẽ được ngành y tế tập trung xử lý đúng mức để không phải kéo dài gây ra hậu quả nặng nề.

Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên thì việc công bố dịch ở trong nước bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện chứ không đơn thuần dựa vào số người mắc bệnh... Điều cấp thiết lúc này là các nơi phải công khai, chính xác thông tin về dịch sởi theo đúng quy định và tích cực phòng, chống để giảm thiểu tác hại, điều mà Bộ Y tế chưa làm tốt trong mấy tháng qua. 

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm