Công bố 'thủ phạm' giết chết 1,6 triệu con tôm hùm

"Hơn 1,6 triệu con tôm hùm nuôi tại vịnh Xuân Đài thuộc thị xã Sông Cầu chết hàng loạt không phải do dịch bệnh, cũng không phải do thiên tai mà do môi trường nuôi bị ô nhiễm trầm trọng". Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, thông tin tại cuộc họp báo do UBND tỉnh tổ chức chiều nay (5-7).

UBND tỉnh Phú Yên kết luận nguyên nhân tôm hùm chết hàng loạt là do ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Ảnh: TẤN LỘC

Theo bà Lê Đào An Xuân, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên, từ nhiều kết quả phân tích mẫu nước, trầm tích, quan trắc môi trường, UBND tỉnh kết luận nguyên nhân tôm hùm chết hàng loạt là do môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, tích tụ lượng lớn các chất hữu cơ.

Cuối tháng 5, đầu tháng 6-2017, thời tiết tại vùng nuôi tôm vịnh Xuân Đài thuộc thị xã Sông Cầu diễn biến rất bất thường như nắng nóng kéo dài chuyển mưa lớn đột ngột, nhiệt độ nước cao, tạo điều kiện cho sự phân hủy chất hữu cơ, sự phát triển mạnh của các loài vi tảo… Các hoạt động này đều cần tiêu thụ một lượng lớn ôxy trong nước.

Kết hợp với lượng tôm hùm nuôi tại khu vực trên dày cả về mật độ lồng lẫn mật độ con trong lồng; việc cắm các cọc tre, sử dụng lốp xe dày đặc để nuôi vẹm, hàu đã cản trở quá trình lưu thông nước dẫn đến hiện tượng ôxy trong nước rất thấp. Tổng hợp tất cả nguyên nhân trên đã gây nên hiện tượng tôm hùm chết hàng loạt.

Hơn 1,6 triệu con tôm hùm nuôi ở vịnh Xuân Đài bị chết hàng loạt.

Trả lời câu hỏi của PV: “Vì sao tôm hùm chết quá nhiều trong thời gian rất ngắn?". Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, nói: “Kết quả xét nghiệm mẫu nước, quan trắc môi trường cho thấy môi trường nước vùng nuôi tôm có hàm lượng ôxy quá thấp. Thiếu ôxy là nguyên nhân chính làm tôm chết nhanh với số lượng rất lớn như vậy”.

Theo ông Trần Hữu Thế, môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm là do xả thải từ sinh hoạt của người dân địa phương và từ chính hoạt động nuôi thủy sản.

Về nghi vấn của người dân cho rằng Nhà máy chế biến thủy sản Nguyễn Hưng đặt tại xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu xả nước thải chưa xử lý ra môi trường làm tôm chết hàng loạt, bà Lê Đào An Xuân cho rằng không tìm thấy có sự liên hệ nào giữa việc tôm hùm chết và việc xả nước thải của nhà máy trên.

Bà Xuân dẫn kết quả kiểm tra, xác minh của công an tỉnh cho hay từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5-2017, trong thời gian nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, toàn bộ lượng nước thải của Nhà máy chế biến thủy sản Nguyễn Hưng chở đi xử lý tại hệ thống xử lý nước thải của Công ty TNHH Bột cá Phú Bình tại xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu.

Bà Xuân cho rằng qua khảo sát thực tế hiện trường nhà máy, trích xuất hình ảnh từ camera, không phát hiện nhà máy lén lút xả nước thải chưa xử lý ra môi trường.

Nữ phó giám đốc Sở TN&MT cũng thông tin kết quả phân tích hóa chất của nước thải thô chưa xử lý lấy tại nhà máy và mẫu nước bị ô nhiễm lấy tại vùng nuôi cho thấy không có sự tương quan với nhau. Tuy nhiên, bà Xuân thừa nhận Nhà máy chế biến thủy sản Nguyễn Hưng có một số vi phạm về môi trường như không báo cáo cơ quan chức năng việc hệ thống xử lý nước thải bị hỏng, tự ý chở nước thải đi nơi khác xử lý.

Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM: “Cơ quan chức năng có xử lý các vi phạm này không?”. Bà Xuân nói: “Tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý sau”.

Bà Lê Đào An Xuân, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên, cho rằng nguyên nhân tôm hùm chết không liên quan hoạt động xả thải của Nhà máy chế biến thủy sản Nguyễn Hưng. Ảnh: TẤN LỘC

Theo thống kê của UBND tỉnh Phú Yên, trong khoảng thời gian từ ngày 24 đến 26-5 và từ ngày 1 đến 6-6, có đến hơn 1,6 triệu con tôm hùm nuôi tại xã Xuân Phương, vịnh Xuân Đài bị chết. Số tôm bị thiệt hại này là của 693 hộ. Khi thống kê ở thời điểm có gần 770.000 con tôm hùm chết, UBND tỉnh Phú Yên xác định tổng giá trị thiệt hại đã hơn 700 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Thế, hiện nay tỉnh chưa đưa ra con số tổng giá trị thiệt hại do có nhiều loại tôm khác nhau.

Cũng theo phó chủ tịch UBND tỉnh, thiệt hại do tôm chết hàng loạt trên không thuộc các trường hợp hỗ trợ thiệt hại do thiên tai.

“Sau khi làm rõ nguyên nhân tôm hùm chết hàng loạt thì đây là sự việc chưa có tiền lệ, chưa nằm trong quy định hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản báo cáo, đề nghị Thủ tướng có cơ chế đặc thù hỗ trợ cho các hộ nuôi bị thiệt hại. Tỉnh cũng sẽ đề nghị thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị các ngân hàng có chính sách gia hạn nợ, giãn nợ cho những người vay vốn có tôm hùm bị chết, đồng thời có cơ chế tạo điều kiện cho người dân sớm được vay vốn trở lại để tái sản xuất. Trước mắt UBND tỉnh sẽ đề nghị Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành chủ trương hỗ trợ đối với những hộ bị thiệt hại để sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất” - ông Thế nói.

Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Sở NN&PTNT, UBND thị xã Sông Cầu cũng cho biết sẽ tiến hành xử lý môi trường, quy hoạch lại vùng nuôi tôm hùm để tránh thiệt hại như sự cố vừa qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm