Công đoàn lúng túng khởi kiện nợ BHXH

Tháng 4-2016, TAND Tối cao có Công văn số 105 yêu cầu TAND các cấp triển khai một số quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014, có hiệu lực từ 1-1-2016. Theo đó, tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT của người lao động mà phải là tổ chức công đoàn cơ sở.

Hơn 2.000 doanh nghiệp nợ BHXH

Đại diện BHXH TP.HCM cho biết tính đến sáu tháng đầu năm 2016, các đơn vị trên địa bàn TP nợ BHXH khoảng 3.000 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2015. Để xử lý các khoản nợ, cơ quan BHXH TP đã thông báo đến hơn 2.000 doanh nghiệp nợ từ sáu tháng với số nợ 50 triệu đồng và thông báo mức lãi suất chậm nộp, khả năng bị xử lý hình sự từ ngày 1-7-2016. Trong thời gian qua, không ít công ty đột ngột “mất tích” khiến nhiều công nhân không biết bám víu vào đâu để đòi quyền lợi.

Chị Nguyễn Bích Thủy, công nhân Công ty J-Tex Vina (TP.HCM), dù hằng tháng công ty đã trích phần tiền lương của người lao động nhưng họ không hề đóng BHXH, BHYT cho hàng trăm công nhân. “Theo đó, mỗi lần ốm đau chúng tôi không có thẻ BHYT để khám, chữa bệnh, họ bảo cứ đi khám sau đó về tính theo biên lai. Chưa hết, nhiều chị em sinh con vẫn còn dây dưa chế độ thai sản chưa giải quyết được” - chị Thủy nói.

Nhiều vụ tranh chấp lao động phát sinh từ việc doanh nghiệp chây ì trốn đóng BHXH. Ảnh: P.ĐIỀN

Theo chị Thủy, nhiều lao động muốn nghỉ việc để tìm chỗ làm mới nhưng do công ty trốn đóng BHXH nên không chốt được sổ BHXH để giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp và tiếp tục đóng BHXH tại nơi làm mới. Nhiều người làm công việc thời vụ chờ công ty đóng BHXH để tìm cơ hội mới nhưng không biết đến bao giờ.

Trước đó, theo ghi nhận của chúng tôi, khoảng 100 công nhân Công ty TNHH Bách Hợp (chuyên sản xuất, gia công hàng may mặc ở 391 An Dương Vương, quận 6, TP.HCM) đã nhiều lần cầu cứu cơ quan chức năng vì bị công ty nợ lương, BHXH, BHYT, không thanh toán chế độ thai sản… Các công nhân cũng đã nhiều lần tìm gặp giám đốc để làm việc nhưng vị này cũng đã không có mặt ở công ty từ nhiều tháng trước đó. Chị Mai Thị Hằng, công nhân công ty này, than thở: “Ngoài việc nợ lương, bảo hiểm, công ty còn nợ mặt bằng thuê làm nhà xưởng. Những chị em lớn tuổi đi xin việc các nơi khác không nhận nên họ gặp nhiều khó khăn. Công ty trích tiền lương nhưng không đóng bảo hiểm cho họ khiến nhiều người đi khám bệnh không được thanh toán. Nhiều người nghỉ việc muốn chốt sổ bảo hiểm cũng không xong” - chị Hằng bức xúc.

Nợ BHXH đang phình to

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, cho rằng số nợ BHXH hiện nay tiếp tục tăng. Một phần do tác động từ quy định của TAND Tối cao yêu cầu tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT của người lao động mà phải là của công đoàn cơ sở.

“Bước chuyển giao này đang gây lúng túng cho các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động do chưa có hướng dẫn, quy trình khởi kiện khi chuyển giao cho tổ chức công đoàn. Theo đó, công tác khởi kiện bị ách tắc, khó thu hồi nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp…” - bà Thu phân trần.

Ông Lê Minh Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận 9, giải thích: “Để tổ chức công đoàn “danh chính ngôn thuận” đứng ra khởi kiện đơn vị nợ BHXH cần có quy trình chặt chẽ mới triển khai được. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn nào nên công đoàn chưa thể khởi kiện được dù những người làm công tác công đoàn rất nóng lòng”.

Ông Yến dẫn chứng hồ sơ nợ BHXH, BHYT của một công ty lên đến hơn 7 tỉ đồng. “Dù rất muốn bảo vệ lợi ích người lao động nhưng chưa có hướng dẫn tư cách đại diện nên công đoàn vẫn chưa thể khởi kiện doanh nghiệp” - ông Yến nói.

Làm điểm để rút kinh nghiệm

Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, xác nhận cơ quan này đã nhận được các hồ sơ khởi kiện do BHXH TP chuyển sang. Theo đó, LĐLĐ TP đã tập huấn kỹ năng tham gia tố tụng các vụ án lao động cho cán bộ công đoàn chủ chốt tại các quận/huyện, sở/ngành và các công ty về thủ tục, trình tự khởi kiện các vụ nợ BHXH. Tuy nhiên, do công việc khá mới mẻ nên tổ chức công đoàn tiếp tục củng cố hoàn thiện thêm. Ngoài ra, LĐLĐ TP đã đề nghị cơ quan BHXH TP hỗ trợ trao đổi kinh nghiệm về quy trình các bước khởi kiện.

Theo bà Yến, do bước chuyển giao này còn khá mới và chưa có kinh nghiệm nên tổ chức công đoàn sẽ tập trung khởi kiện một số vụ có chứng cứ vững chắc, rút kinh nghiệm để nhân rộng toàn thành phố. Ngoài ra, việc khởi kiện phải có sự ủy quyền của người lao động chứ tổ chức công đoàn không thể tự ý đứng ra kiện doanh nghiệp. “Băn khoăn nhất là không rõ người lao động muốn ủy quyền cho công đoàn cơ sở, công đoàn quận/huyện hay công đoàn cấp trên nên chúng tôi rất lúng túng khi triển khai” - bà Yến nói.

________________________________

Tòa hai cấp ở TP.HCM đã trả lại hơn 230/1.000 hồ sơ do BHXH TP.HCM khởi kiện các đơn vị trước đó. Theo đó, BHXH TP.HCM đã chuyển 262 hồ sơ theo hai đợt sang LĐLĐ TP để nơi này tiếp tục khởi kiện các đơn vị bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, đến nay theo ghi nhận, LĐLĐ vẫn chưa nộp đơn khởi kiện do chưa có hướng dẫn chính thức từ Tổng LĐLĐ Việt Nam.

TRẦN NGỌC CHÂU,
Trưởng phòng Khai thác và thu nợ BHXH TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm