Công khai cán bộ sai phạm trong ngành thanh tra

Sáng 16-7, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức họp báo về công tác thanh tra quý II-2014. Trước câu hỏi của phóng viên về xử lý các vụ việc tiêu cực, sai phạm trong ngành, Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng cho biết lãnh đạo TTCP đã có kết luận về các khuyết điểm, vi phạm, sai phạm của một số cán bộ ngay trong đơn vị.

Xử lý nghiêm các sai phạm

Về sai phạm của hiệu trưởng Trường Cán bộ thanh tra Nguyễn Thanh Hải và giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Cung Phi Hùng, theo ông Lượng, trong quá trình công tác, hai cán bộ này có những khuyết điểm, thậm chí là sai phạm đến mức phải kỷ luật về mặt hành chính. Tuy nhiên, những việc này xảy ra đã lâu, đến nay theo ý kiến của Bộ Nội vụ là đã hết thời hiệu xử lý. Những khuyết điểm khác vẫn trong thời hiệu thì lại chưa đến mức phải kỷ luật.

 “Quan điểm của TTCP là các đồng chí ấy, trong vai trò người đứng đầu đơn vị, cho dù không kỷ luật hành chính được thì cũng phải chịu trách nhiệm chính trị về các khuyết điểm, yếu kém trong đơn vị mình. Vì vậy, khi vụ việc xảy ra, chúng tôi đã cho hai đồng chí đó thôi chức vụ, bố trí công việc khác. Ngoài ra, tới đây sẽ tiếp tục xử lý nghiêm về kỷ luật Đảng” - ông Lượng cho biết.

TTCP sẽ thanh tra việc sử dụng vốn và tài sản lẫn các việc nội bộ tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Ảnh: HTD

Ngoài ra tại cuộc họp báo này, TTCP cũng cho biết trong sáu tháng qua, ngành thanh tra đã xử lý trách nhiệm năm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại các địa phương. Ông Hoàng Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thông tin: “Trong năm trường hợp này có bốn trường hợp bị quy kết thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, một trường hợp bị kỷ luật”. Tuy nhiên, khi đề nghị TTCP công khai thông tin cụ thể thì ông Vinh cho biết: “Đây mới chỉ là số liệu thống kê của các bộ, ngành và các địa phương gửi lên nên chưa có cụ thể nên sẽ bổ sung sau”.

Chậm ra kết luận thanh tra VCCI vì...

Về cuộc thanh tra đột xuất tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho biết có một số khó khăn, bởi đây là lần đầu tiên TTCP “vào” một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, có tư cách pháp nhân và tự chủ về tài chính. Hoạt động của VCCI rất đa dạng, có phần được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, có phần là tự cân đối kinh phí theo kiểu đơn vị sự nghiệp có thu và có cả mảng hoạt động kinh doanh được quản lý như DNNN.

Trong các nội dung thanh tra có dự án hợp tác kinh doanh của VCCI với một doanh nghiệp theo cách VCCI có đất, doanh nghiệp bỏ tiền xây dựng nhà cao tầng, cắt một phần để VCCI toàn quyền sử dụng. Công ty này có liên quan đến gia đình một phó tổng thư ký VCCI. Ông Lượng cho biết: “Chúng tôi phải trao đổi với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ để xem ông này có phải là công chức, viên chức, từ đó có thuộc diện cấm liên kết làm ăn không. Kết quả là không cấm và do đó hoàn toàn có thể là một bên liên kết, hợp tác cùng có lợi. Việc hợp tác kinh doanh này đến nay đánh giá là VCCI không bị thiệt hại gì”.

Về lý do chậm ra kết luận thanh tra, ông Hoàng Đức Vinh - Trưởng đoàn Thanh tra VCCI cho biết trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, TTCP lại chuyển dự thảo kết luận lấy ý kiến các bộ liên quan. Các đơn vị này lại “ngâm” thêm ba tháng, vì vậy mãi gần đây mới có kết luận thanh tra chính thức được.

Trước đó TTCP đã thông báo kết luận thanh tra tại VCCI và chỉ ra bốn sai phạm trong các lĩnh vực quản lý, tài chính, huy động kinh phí và tài trợ… Theo đó, chủ tịch VCCI có một số khuyết điểm nhưng chưa đến mức độ kỷ luật, hiện đang được yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm.

Sẽ thanh tra công tác cán bộ tại Tổng Công ty Đường sắt

Ngoài các cuộc thanh tra đã kết thúc, tới đây TTCP sẽ triển khai sáu cuộc thanh tra, trong đó có thanh tra việc giao đất, giao rừng tại Bình Phước; thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; thanh tra về bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng và quyền lợi người dân tại Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam...

Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh cho biết các cuộc thanh tra này đều là theo kế hoạch định trước. “Những việc vừa xảy ra tại Tổng Công ty Đường sắt VN (nghi án nhận hối lộ từ Công ty Tư vấn Giao thông Nhật Bản (JTC) - PV), không phải vì đó mà chúng tôi thanh tra. Tuy nhiên, trước những sự việc này, chúng tôi dự kiến sẽ thanh tra các việc nội bộ, kể cả công tác cán bộ ở đây. Bộ GTVT sẽ cùng tham gia cuộc thanh tra này” - ông Khánh nói.

NGHĨA NHÂN

Tổng TTCP, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chuẩn bị tiếp công dân

Ngày 15-7, TTCP đã ra mắt Ban Tiếp công dân - thiết chế mới quản lý công tác tiếp dân của các cơ quan trung ương của Đảng và Nhà nước. Mô hình mới này ra đời vào lúc Luật Tiếp công dân vừa có hiệu lực, theo đó Tổng TTCP và chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh ít nhất mỗi tháng một lần.

Dự kiến Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên sẽ thực hiện quy định trên trong những ngày tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm