Công trình công cộng cho người khuyết tật: Quy định đã có, áp dụng “trật chìa”

Trên hai tuyến đường Trường Sa - Hoàng Sa ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Sở GTVT TP.HCM vừa gắn nhiều biển báo hướng dẫn cho những người đi xe lăn lên xuống vỉa hè. Đây là việc làm cụ thể, thực hiện chương trình giao thông tiếp cận đã được TP.HCM áp dụng cách đây hơn năm năm nhằm giúp người khuyết tật (NKT) dễ dàng hòa nhập cộng đồng.

Dẫn người khiếm thị vào… “bẫy”

Trước đó, quy định về việc cải tạo, chỉnh trang vỉa hè do Sở GTVT TP ban hành (có hiệu lực từ giữa năm 2009) cũng đặt ra yêu cầu vỉa hè phải có lối lên xuống thuận tiện cho xe lăn. Ở các vị trí băng qua đường hay trạm xe buýt, vỉa hè phải đủ thấp để NKT lên xuống dễ dàng. Khi lát gạch vỉa hè phải có hàng tấm lát chỉ hướng đi cho người khiếm thị…

Thực hiện quy định trên, một số dự án cải tạo, chỉnh trang vỉa hè ở khu vực trung tâm (như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Duẩn…) đã kẻ các vạch để người khiếm thính đi lại dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều đoạn vỉa hè lại bị cắt ngang để làm lối ra vào cơ quan, nhà dân nhưng lại không có dấu hiệu báo trước khiến người khiếm thị chẳng biết phải đi tiếp như thế nào. Đó là chưa kể có những bồn cây, trụ gác, cột điện bất thình lình chắn ngang lối đi khiến họ… bó tay.

Công trình công cộng cho người khuyết tật: Quy định đã có, áp dụng “trật chìa” ảnh 1

Vỉa hè hẹp, bị cây xanh chắn ngang nên việc đặt bảng báo dành cho người đi xe lăn ở vị trí này (đường Trường Sa, dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) chỉ mang ý nghĩa làm… kiểng! Ảnh: MP

Tương tự, một số siêu thị, nhà sách, rạp hát… khi cải tạo lại đã có thiết kế lối đi dành riêng và tay vịn trong nhà vệ sinh cho NKT. Tuy nhiên, NKT vẫn gặp những tình huống trớ trêu như cuối lối đi dành riêng là một cầu thang cao vút khiến họ buộc phải quay lui nếu không có người thân trợ giúp.

Trách nhiệm thuộc về địa phương

Năm 2002, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn xây dựng công trình, trong đó yêu cầu phải đảm bảo cho NKT dễ dàng sử dụng các hạng mục. Tại đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2006-2010, Chính phủ đặt ra yêu cầu 100% công trình xây dựng và giao thông công cộng khi xây mới phải đảm bảo thuận lợi cho NKT sử dụng. Ở các công trình cũ, tỉ lệ yêu cầu cải tạo là 20%-30%. Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 của Bộ GTVT cũng nhấn mạnh việc đầu tư, cải tạo, xây mới cơ sở hạ tầng và các phương tiện giao thông phải có thiết kế, trang thiết bị thích hợp để NKT, phụ nữ mang thai, người già và trẻ em… sử dụng.

Những quy định trên khá cụ thể nhưng lại chưa được thực hiện đúng mức. Sở GTVT TP.HCM xác nhận NKT vẫn gặp nhiều trở ngại khi sử dụng các công trình xây dựng và giao thông công cộng. Do hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp… Cạnh đó, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, để xe càng gây thêm nhiều khó khăn cho NKT khi đi lại.

Công trình công cộng cho người khuyết tật: Quy định đã có, áp dụng “trật chìa” ảnh 2

Thiếu sự hỗ trợ, người khiếm thị mò mẫm trên đường hòa nhập với cộng đồng. Ảnh: KHANG BÁCH

Ông Chu Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường - Bộ GTVT, nhìn nhận môi trường tiếp cận giao thông cho NKT hiện còn nhiều rào cản, để khắc phục đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn. Có những lĩnh vực được đầu tư đã lâu, việc điều chỉnh không thể làm ngay được mà phải chờ những dự án mới.

Theo ông Hùng, Bộ GTVT đã ban hành tiêu chuẩn đường phố vỉa hè ở các đô thị lớn. Ông nói: “Đường và hè phố thuộc phạm vi quản lý của chính quyền địa phương. Vì vậy, UBND các tỉnh, thành, đặc biệt là UBND các đô thị lớn phải đôn đốc những cơ quan chuyên môn thực hiện đúng các quy chuẩn ấy”.

Ở TP.HCM, nhiều tuyến đường vừa được sửa chữa khang trang đã xây làn đường dành riêng cho NKT. Nhưng nhiều lúc họ lại rơi vào tình huống dở khóc dở cười vì cây trồng “chấn” chỗ dành cho xe lăn. Tương tự, nhiều trạm dừng chân dọc đường có xây nhà vệ sinh dành cho NKT, có bảng báo hẳn hoi nhưng muốn vào thì phải... lội qua mương nước và bước qua mấy bậc tam cấp. Ngoài ra, nhiều bãi giữ xe từ chối nhận xe ba bánh của NKT vì choán chỗ.

VÕ THỊ HOÀNG YẾN,
Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển TP

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm