Công trình công cộng vẫn “ngó lơ” người khuyết tật

Rất ít công trình phục vụ cộng đồng như bệnh viện, trường học, chung cư hay công viên, siêu thị… có những hạng mục hỗ trợ người khuyết tật (NKT). Còn nếu có thì lại không đủ chuẩn, chưa tạo thuận lợi cho người sử dụng. Đó là thực tế đang diễn ra tại TP.HCM.

Không có lối đi riêng

Hiện nay, một số siêu thị lớn của TP đã dành hẳn một quầy ưu tiên thanh toán dành cho NKT, người già và phụ nữ có thai. Tuy nhiên, NKT lại không nhận được sự ưu ái tương tự tại các khu vực khác. Nhiều siêu thị không có nhà vệ sinh cho NKT, còn nhà vệ sinh thông thường lại không có tay vịn hoặc diện tích không đủ lớn nên những người đi xe lăn không thể vào được. Nhiều siêu thị có lối dẫn lên lầu là cầu thang cuốn, “ngay cả những người lành lặn sử dụng cũng còn nguy hiểm chứ chưa nói gì đến NKT như chúng tôi” - anh Vương Lai Thuận, hội viên Hội Nạn nhân chất độc màu da cam dioxin TP, phân tích.

Nhiều cao ốc, chung cư tại TP cũng chưa có các hạng mục hỗ trợ NKT. Theo ghi nhận, có những cao ốc mới được xây dựng nhưng không có nhà vệ sinh, lối đi riêng cho NKT. Muốn lên được các tầng cao, nhiều người khiếm thị phải vất vả vượt qua những bậc thang ở tiền sảnh để vào được thang máy. Những người đi xe lăn nếu không có sự trợ giúp của người thân thì đành bó tay. Còn tại các chung cư không có thang máy, NKT có lên được các lầu trên hay không còn tùy thuộc… lòng tốt của những người xung quanh.

Công trình công cộng vẫn “ngó lơ” người khuyết tật ảnh 1

Người khuyết tật rất cần sự hỗ trợ để hòa nhập cộng đồng. Ảnh: M.Phong

“Nhiều hội viên NKT phản ánh họ rất ngại khi được mời tham dự các hội nghị, hội thảo tổ chức tại các tòa nhà cao tầng do thường phải rất vất vả mới lên được tới nơi. Đặc biệt, các hội nghị thường diễn ra trong một buổi hoặc cả ngày, nhiều NKT đã phải bỏ về giữa chừng vì… không thể đi vệ sinh” - bà Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển TP, nói.

Xe buýt thấy là… bỏ chạy

6,7 triệu người là tổng số NKT trên cả nước, chiếm hơn 6% dân số cả nước.

Hiện TP.HCM có 18 xe buýt phục vụ NKT trên hai tuyến Sài Gòn-Bình Tây và Bến xe Miền Tây-ký túc xá ĐH Quốc gia. Ngoài ra, khi Công ty Xe khách Sài Gòn đầu tư thí điểm 21 xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch cũng đã lắp đặt thêm các thiết bị hỗ trợ cho NKT (hoạt động trên tuyến Sài Gòn-Bình Tây). Ông Văn Công Điểm, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng TP.HCM, cho biết ngoài việc cải tạo một số xe buýt, trung tâm còn cải tạo trạm dừng, nhà chờ để NKT dễ dàng sử dụng. Các vỉa hè khi được sửa chữa cũng sẽ thực hiện đồng bộ về kết cấu, thiết kế thuận tiện để NKT sử dụng.

Tuy nhiên, theo bà Võ Thị Hoàng Yến, xe buýt hiện vẫn như một “rào cản” đối với NKT. “Số lượng xe buýt thí điểm quá ít, chỉ hai tuyến có xe buýt phục vụ NKT thì làm sao đáp ứng được nhu cầu đi lại. Có hội viên còn phản ánh một số xe buýt còn tháo các thiết bị hỗ trợ NKT đã được lắp đặt. Đây là những nguyên nhân khiến rất ít NKT sử dụng xe buýt” - bà Yến nói.

Một vấn đề nữa khiến NKT chưa mặn mà với xe buýt, đó là phong cách phục vụ chưa tốt của nhân viên xe buýt cùng những cách hành xử “khuyết tật” của một số người thiếu ý thức. Anh Lê Anh Tuấn (bán vé số, ở trọ tại đường Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) bức xúc: “Mẹ con tôi thường bị các tài xế xe buýt tuyến số 29 bỏ rơi hay đùn đẩy nhau do thấy mẹ tôi ngồi xe lăn. Nhiều khi phải đón đến chiếc xe buýt thứ ba chúng tôi mới được lên xe”. Cũng theo anh Tuấn, hai mẹ con anh đã gặp rất nhiều trường hợp xe buýt thấy NKT là… bỏ chạy do sợ tốn thời gian đưa họ lên xe. Vì vậy, sau này anh phải đưa mẹ đến trạm chính ở Bến Thành để đón xe buýt cho chắc ăn.

Công trình công cộng vẫn “ngó lơ” người khuyết tật ảnh 2

Một cao ốc có lối đi riêng dành cho người khuyết tật. Hiện còn rất ít công trình có hạng mục hỗ trợ người khuyết tật như thế này. Ảnh: HTD

Còn anh Vương Lai Thuận vẫn chưa quên những câu chuyện mà anh đã gặp trên nhiều chuyến xe buýt. “Rất nhiều lần lên xe trễ, hàng ghế ưu tiên đã có người ngồi. Thấy tôi bước lên, họ giả vờ ngủ. Khi nhà xe đánh thức và yêu cầu nhường ghế, họ trả lời đã mua vé nên có quyền ngồi và bỏ mặc NKT phải đứng như bao hành khách lành lặn khác” - anh Thuận kể.

Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM cho biết hệ thống đường sắt đô thị (gồm sáu tuyến metro và ba tuyến tramway) sẽ được thiết kế, xây dựng thuận lợi cho NKT sử dụng. Cụ thể, các nhà ga được thiết kế thuận lợi cho người khuyết tật mua vé, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện, có công cụ hỗ trợ lên xuống...

Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng TP.HCM cũng thông tin: Đề án thay mới 1.680 xe buýt với tổng mức kinh phí đầu tư gần 2.000 tỉ đồng vừa trình UBND TP đã đề cập đến việc đưa xe buýt sàn thấp phục vụ NKT và miễn phí tiền vé cho họ.

_________________________________________________

Có lần tôi liên hệ với Sở GTVT TP.HCM đề nghị cấp giấy phép lái xe cho người khiếm thính. Họ trả lời là người điếc không được phép có bằng lái xe. Điều này không hợp lý, bởi dù không cấp bằng lái thì họ vẫn lái xe bình thường và như vậy vô tình họ đã không được đi học, qua lớp sát hạch để được cấp bằng lái. Đề nghị Bộ GTVT tạo điều kiện để người khiếm thính được học, thi để được cấp bằng lái xe, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống.

TRẦN THỊ NGỜI,
Hiệu trưởng Trường Khuyết tật thính giác Hy Vọng 1

Trong các siêu thị ở Nhật Bản, NKT vẫn đi thang cuốn rất “ngon lành”. Đó là do loại thang này được thiết kế đặc biệt: Khi NKT sử dụng, chỉ cần nhấn nút thì ba bậc thang sẽ thẳng hàng với nhau và họ sẽ bước vào thang an toàn. Những khách hàng khác sẽ chờ cho NKT đến đích và nhấn nút để thang trở lại sử dụng bình thường. Mong rằng thời gian tới, loại thang này sẽ được sử dụng nhiều ở các siêu thị, cao ốc để tạo thuận lợi cho NKT.

VÕ THỊ HOÀNG YẾN,
Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển TP

VIỆT HOA - MINH PHONG

Số sau: Quy định đã có, áp dụng “trật chìa”

Đã có đầy đủ quy định yêu cầu các công trình xây dựng, đường, hè phố… phải đảm bảo an toàn, tạo thuận lợi cho NKT sử dụng. Nhưng trên thực tế yêu cầu này chưa được thực hiện đúng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.