Cử tri An Giang phản ánh bị 1 công ty lương thực ép giá lúa

Ngày 3-12, HĐND tỉnh An Giang khóa IX khai mạc kỳ họp thứ 18, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Báo cáo kết quả tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết năm qua dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là dịch COVID-19 nhưng nền kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng. Các lĩnh vực văn hoá, an sinh xã hội, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Nông dân thu hoạch lúa. Ảnh minh họa: HD

Tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 9/13 chỉ tiêu (đạt 69,23%) bao gồm hai chỉ tiêu vượt và bảy chỉ tiêu đạt. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 930 triệu USD, tăng 4,49% so với cùng kỳ, đạt 100% so với kế hoạch năm.

Toàn tỉnh An Giang có 768 doanh nghiệp thành lập mới và 495 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 6.040 tỉ đồng. Tổng thu ngân sách hơn 6.700 tỉ đồng, đạt 100,12%. Năm qua tỉnh thu hút được 47 dự án đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đăng ký hơn 9.800 tỉ đồng…

Tại kỳ họp ông Nguyễn Tiếc Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang, báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri về các vấn đề giao thông, môi trường, y tế… trước kỳ họp.

Theo đó, trong lĩnh vực nông nghiệp cử tri của các huyện trên địa bàn tỉnh tiếp tục kiến nghị các ngành chức năng tỉnh nghiên cứu định hướng, đề ra giải pháp cho bà con nông dân trồng những loại cây ăn trái hiệu quả, bền vững hơn.

Nguyên nhân là từ trước đến nay bà con nông dân trồng theo hình thức tự phát là chính, khâu tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, lợi ích kinh tế mang lại không cao.

Đáng lưu ý, cử tri xã Vĩnh Bình và Vĩnh An, huyện Châu Thành phản ánh việc bị một công ty mua lúa ép giá.

Theo đó cử tri phản ánh bị một công ty lương thực mua lúa với giá thấp hơn thương lái bên ngoài 300-400 đồng/kg lúa.

Cử tri cũng phản ánh công ty bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cho nông dân cao hơn đại lý bên ngoài 10.000-15.000 đồng cho mỗi loại thuốc và phân bón. Đến khi bán lúa cho công ty, nông dân phải gánh chịu thêm chi phí vận chuyển, thuê nhân công bốc vác, cân lúa, trung bình mỗi tấn trên 100.000 đồng.

Do đó, cử tri đề nghị cơ quan có thẩm quyền tỉnh có giải pháp như để nhà máy mua lúa giá ổn định giúp người nông dân sản xuất có lợi nhuận cao, tạo điều kiện cho nông dân có cuộc sống ổn định…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm