Cử tri mong sớm được trả CCCD

Chiều 17-11, Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị bầu cử số 3, TP.HCM đã có buổi tiếp xúc với cử tri các quận 5, 8 và 11.

Cùng thời điểm, Tổ ĐBQH đơn vị số 5, TP.HCM đã có buổi tiếp xúc trực tuyến và trực tiếp với cử tri hai quận Tân Bình và Tân Phú.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh |
của Quốc hội, tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 17-11. Ảnh: N.YÊN

TP.HCM đã tính tiêm vaccine mũi thứ ba

Tại buổi tiếp xúc của Tổ ĐBQH đơn vị số 3 với cử tri ba quận 5, 8 và 11, cử tri quan tâm nhiều đến công tác phòng chống dịch COVID-19. Cử tri mong muốn TP.HCM quyết liệt hơn nữa trong phòng chống dịch; tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở; sớm cho học sinh trở lại trường học...

Đặc biệt, cử tri Đặng Văn Rành (quận 11) đề nghị Bộ Y tế phân bổ thêm vaccine cho TP.HCM để tiêm mũi 3 cho người dân, bởi tình hình dịch đang có dấu hiệu tăng trở lại.

Chia sẻ với cử tri, ĐB Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP.HCM, ghi nhận các ý kiến và kiến nghị của cử tri. Ông cho biết sẽ chuyển tải các ý kiến này đến nghị trường QH và các cơ quan có liên quan.

Theo ông Phong, hiện nay các nước châu Âu đang bùng phát dịch trở lại. Tại Việt Nam, các địa phương đang trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Vì vậy, bên cạnh tiêm vaccine phòng dịch thì ý thức của người dân là rất quan trọng. Chúng ta vừa phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng phải giữ gìn, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.

“Nỗi lo lắng của bà con cử tri cũng là nỗi lo lắng của các ĐBQH chúng tôi và của TP.HCM. Ngoài câu chuyện tiêm vaccine bổ sung cho trẻ em, chúng ta đã tính tới câu chuyện tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19” - ông Phong nói và mong bà con cử tri yên tâm. Bởi theo ông, nếu sức khỏe không tốt thì phát triển kinh tế - xã hội cũng bằng con số 0.

Về mở lại trường học, ông Lê Thanh Phong cho rằng rất lo lắng cho các cháu. Bởi theo ông, học trực tuyến nhiều cũng không có hiệu quả. Hiện nay, TP.HCM đang tìm các giải pháp để học sinh sớm trở lại trường, trên nguyên tắc an toàn.

Về phát triển kinh tế, ông Phong cho biết trong dịch, TP.HCM đã có nhiều gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn, mất việc làm. Còn hiện nay, TP đang cùng với trung ương hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động trở lại TP làm việc; tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đảm bảo đời sống an sinh xã hội.

Chưa trả CCCD mới thì không thu hồi cái cũ

Đối với phản ánh của cử tri về việc chậm trả CCCD làm ảnh hưởng đến các giao dịch cá nhân, vị đại diện Công an quận Tân Phú thông tin: Khi làm thủ tục cấp CCCD, nếu chưa trả CCCD gắn chip mới thì chưa thu hồi CCCD mã vạch hoặc CMND cũ. Vì vậy, mọi giao dịch của công dân bằng CCCD cũ và CMND đều được thực hiện bình thường.

Sớm trả CCCD cho dân

Tại buổi tiếp xúc cử tri hai quận Tân Bình và Tân Phú, ông Trần Quang Hải (quận Tân Phú) phản ánh tình trạng chậm trễ trong việc trả CCCD cho người dân đã làm vào thời điểm tháng 2, 3, 4 vừa qua.

Theo ông Hải, việc trả CCCD chậm đã ảnh hưởng nhiều đến giao dịch của người dân và có trường hợp cả gia đình đi làm CCCD cùng thời điểm nhưng người có, người không. Ông cũng cho rằng việc này đã làm ảnh hưởng đến việc tiêm chủng COVID-19 của người dân.

“Tôi đề xuất tổ ĐBQH kiến nghị Bộ Công an sớm trả CCCD cho công dân làm từ tháng 2, 3, 4 nhưng chưa có. Lên công an hỏi thì họ cũng chưa biết ai có, ai không” - ông Hải nói.

Bên cạnh đó, ông Hải cũng phản ánh thêm về tình trạng đòi số định danh của trẻ em ảnh hưởng đến hoạt động tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi trong đợt tiêm vừa qua. “Trong đợt tiêm, nhà trường đòi mã định danh. Các em đã có CCCD thì dễ, còn các em dưới 14 tuổi, chưa có số định danh nên quá tải cho công an địa phương để trích lục hồ sơ, gây mất thời gian” - ông Hải phát biểu.

Trả lời về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Công an quận Tân Phú cho biết trong đợt đầu cấp CCCD cho người dân thì đợt dịch lần thứ tư bùng phát, điều này khiến việc trả CCCD cho người dân bị gián đoạn.

Vị này cho biết thêm một số dữ liệu vân tay của công dân sau khi chuyển về Bộ Công an không thể nhận diện được nên buộc phải trả lại, dẫn đến mất thời gian khắc phục.

Bên cạnh đó, có một số trường hợp công dân đăng ký trả CCCD qua đường bưu điện. “Trong thời gian giãn cách, bưu điện không làm việc nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ trả CCCD. Tới đây, lực lượng công an thực hiện luôn việc này” - đại diện Công an quận Tân Phú thông tin.

Thiết kế lại hệ thống y tế cơ sở

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Tân Bình, trả lời ý kiến của cử tri về hệ thống y tế cơ sở, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH, cho biết sau đại dịch đã chỉ ra nhiều bất cập của ngành y tế về quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế. Ông cho hay trước đây y tế được thiết kế theo hình chóp ngược, y tế tuyến cơ sở là chóp lõm thì bây giờ phải lật ngược lại, thiết kế lại. Y tế cấp cơ sở phải được đầu tư cấp cao nhất cả cơ sở vật chất và con người để bảo vệ sức khỏe người dân.

Ông cũng cho hay trong dịch bệnh, các bệnh viện chịu rất nhiều áp lực. Bệnh nhân COVID-19 khi đã đi cấp cứu, nếu không kịp thời thì họ có thể tử vong chỉ trong vài giờ đồng hồ. “Do đó, với các bệnh nhân khác có thể hướng dẫn điều trị thay cho việc tiếp nhận và ưu tiên bệnh nhân COVID-19. Điều này có thể dẫn đến tình trạng bệnh nhân không bị COVID-19 sẽ không được cứu chữa đầy đủ như trước đây” - ông Đức nói và cho biết hiện người đứng đầu ngành y tế đã nhận trách nhiệm trước QH. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm