Cùng bước qua ‘lời nguyền vùng trũng’

Nhân dịp đầu năm, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan về vấn đề liên kết, việc làm sao để đồng bằng sông cửu long (ĐBSCL) thoát khỏi vùng trũng, vươn lên giàu mạnh từ tiềm năng vốn có của mình.

Phải đi lên từ sự khác biệt

. Phóng viên: Thưa ông, vấn đề “chiếc bánh lớn cho tài nguyên bản địa” được ông khẳng định và lặp lại nhiều lần trong các hội thảo, hội nghị bàn về liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười gần đây. Mới đây, Đồng Tháp cũng đã “chủ xị” xây dựng đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Theo ông, việc phát triển tài nguyên bản địa cần phải như thế nào?

+ Ông Lê Minh Hoan: Xu thế ngày nay là người ta tìm đến sự khác biệt: Những sản phẩm khác biệt, những trải nghiệm khác biệt, những nét văn hóa khác biệt. Và đâu đâu trên khắp thế giới này đều có thể tìm ra sự khác biệt và người ta làm giàu dựa trên sự khác biệt đó.

Đồng Tháp Mười là một hệ sinh thái đặc biệt - hệ sinh thái đất ngập nước, một “cánh đồng hở” như nhiều nhà khoa học đã khẳng định. Trong tiểu vùng có hai khu bảo tồn được công nhận là khu Ramsar của thế giới: Tràm Chim và Láng Sen. Một nền văn hóa của những người đi khai hoang vài trăm năm trước, những người “Ra đi gặp vịt cũng lùa. Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu” - những con người xưa nay hào sảng, thân thiện, trọng nghĩa, khinh tài!

Vậy tại sao không khai thác hệ sinh thái, nét văn hóa khác biệt để tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu chung cho Đồng Tháp Mười? Sản phẩm đó có thể là những nông sản, những dịch vụ du lịch đặc trưng. “Khai thác tài nguyên bản địa kết hợp với sức mạnh công nghệ” là điểm nhấn trong đề án liên kết tiểu vùng.

. Ông có thể nói rõ hơn về mục tiêu mà các tỉnh trong tiểu vùng hướng đến?

+ Chắc chắn không thể khép kín việc liên kết tiểu vùng chỉ trong nội bộ ba tỉnh: Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An. Tiểu vùng nằm giữa hai trung tâm động lực của ĐBSCL và Đông Nam bộ, do đó trong đề án chúng tôi đã tính đến việc liên kết với TP.HCM và Cần Thơ.

Ngoài ra, dựa trên vị trí địa lý giáp biên, chúng tôi cũng có tầm nhìn đến Phnom Penh (Campuchia).

Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan chúc mừng anh Võ Văn Tiếng khởi nghiệp với giống lúa sạch ở Hồng Ngự. Ảnh: VVT

“Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”

. Vấn đề liên kết vùng được đặt ra ở rất nhiều hội thảo, hội nghị và có cả những văn bản, chủ trương từ trung ương. Song thực tế liên kết này vẫn còn hơi “nguội lạnh”. Theo ông vì sao, do “sự chuyển động của địa phương chậm” hay do “tư duy nhiệm kỳ”?

+ Đúng là liên kết vùng là cả thế giới đã làm. Triết lý liên kết của họ là “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Tinh thần hợp tác đã trở thành văn hóa hành động của họ.

Chủ trương liên kết vùng chúng ta đã đặt ra từ lâu, trong nhiều nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ. Tuy nhiên, quả thật đây đó đã ít nhiều “nguội lạnh”.

Nguyên nhân thì có nhiều: thể chế, tư duy nhiệm kỳ, áp lực tăng trưởng của từng địa phương... Tuy nhiên, theo tôi, có thể do chúng ta chưa lượng hóa được liên kết chính là làm cho “chiếc bánh lớn ra” nhờ dựa trên “lý thuyết kinh tế theo quy mô”. Tất nhiên, quy mô lớn không phải không có những bất lợi nhất định nhưng nếu các địa phương “cùng ngồi lại thì không gì là không thể”.

Một trong những vấn đề làm cho chủ trương liên kết khó khăn là tìm ra mô hình điều hành. Trong khi chưa có mô hình đủ rõ, ba tỉnh chúng tôi thống nhất nguyên tắc liên kết là dựa trên sự tự nguyện và luân phiên điều hành, liên kết nhưng không làm mất đi sự năng động trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương.

. Kết thúc “hội nghị Diên Hồng” đồng bằng do Thủ tướng chủ trì tại Cần Thơ cuối tháng 9-2017, một nghị quyết (Nghị quyết 120/2017) của Chính phủ cho đồng bằng đã được ban hành. Ông mong chờ điều gì từ nghị quyết này và đồng bằng sẽ khác trong tương lai như thế nào?

+ Trước khi diễn ra “hội nghị Diên Hồng” là sự kiện hợp long cầu Cao Lãnh và Vàm Cống, tôi đã nghĩ ngay đến có sự liên hệ giữa “hợp long” và “hợp lực”. Hệ thống giao thông thì dần kết nối rồi nhưng làm sao các địa phương trong vùng, bao gồm cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân, kết nối với nhau mới là điều quan trọng nhất. Khi ấy, sức mạnh cả vùng mới được cộng hưởng. Khi ấy, thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại hội nghị là “Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp” và “Giảm diện tích sản xuất lúa, chuyển sang những cây con khác thích ứng với biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên nước” mới trở thành hiện thực.

Người đồng bằng, ngoài sự hỗ trợ của trung ương, phải cùng nắm tay nhau vượt qua lời nguyền là một vùng trũng, biến vùng đất này trở nên thịnh vượng, người dân giàu có.

. Xin cám ơn ông.

“Nếu muốn được tất cả thì có thể không được gì cả!”

Tôi còn nhớ, lần đầu khi tổ chức tọa đàm giữa ba tỉnh bàn về chuyện liên kết, có chuyên gia đặt ra câu hỏi cho từng người mong muốn Đồng Tháp Mười 20, 30 năm sau sẽ như thế nào. Đúng là “chín người mười ý”. Một viễn cảnh được vẽ ra bởi nhiều người thật sinh động. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta chưa quen với cách đặt tầm nhìn xa như vậy, chúng ta vẫn quen với tầm nhìn ngắn hạn và lắm lúc muốn đạt được kết quả trong ngày một ngày hai. Tôi thường nói vui: “Nếu muốn được tất cả thì có thể không được gì cả!”.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp LÊ MINH HOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm