Cuộc chiến giành con

Một chiều trước tết, trong phòng xử án TAND TP.HCM, hàng ghế đương sự chỉ có hai người nhưng bầu không khí rất ngột ngạt. Họ từng là vợ chồng, do “hết duyên” nên ra tòa thuận tình ly hôn. Nhưng cuộc chiến giành con giữa họ thì mãi không dứt được.

Nói chồng nghiện để giành con

Giữa năm 2013, ông LHL nộp đơn xin ly hôn tại TAND huyện Hóc Môn (TP.HCM). Hai vợ chồng ông yêu nhau và cưới nhau vào năm 2002 và có hai con trai, một sinh năm 2003, một sinh năm 2008. Thời gian đầu, vợ chồng chung sống rất hạnh phúc. Đến năm 2010 thì cả hai phát sinh mâu thuẫn. Lý do theo ông L. là bà HTT không lo làm ăn, gây nợ nần lớn. Ông đã cố gắng trả xong nợ nhưng bà vẫn không sửa đổi mà còn xúc phạm mẹ ông.

Từ đó, vợ chồng ông thường xuyên gây gổ, xúc phạm lẫn nhau, không còn quan tâm, yêu thương nhau nữa nên sống ly thân. Nay thấy hôn nhân không còn hạnh phúc, tình cảm vợ chồng không thể hàn gắn, ông cương quyết xin ly hôn. Về con chung, ông xin nuôi đứa con trai nhỏ, đứa lớn để vợ nuôi, hai bên không cần cấp dưỡng.

Bà T. đồng ý ly hôn nhưng cho rằng chồng nói nguyên nhân dẫn đến kết cuộc này không như ông trình bày. Theo bà, thật ra là do ông nhậu nhẹt, xúc phạm và đánh vợ, thậm chí còn sử dụng ma túy... Bà muốn nuôi cả hai con mà không cần ông cấp dưỡng.

Tháng 9-2013, TAND huyện Hóc Môn xử sơ thẩm ghi nhận việc thuận tình ly hôn giữa hai bên và giao mỗi bên chăm sóc một trẻ như đề nghị của ông L. Bà T. kháng cáo nói không thể giao con cho ông L. nuôi vì ông là người nghiện.

Tại phiên tòa phúc thẩm, trước lý do mà bà T. đưa ra, ông L. ấm ức đối đáp lại: “Trước ngày tòa xử, việc ly hôn thì đã quyết nhưng vì giành con bà ấy đã gọi công an đến nhà nói chồng nghiện ma túy, phải cưỡng bức đi xét nghiệm làm tôi rất nhục nhã với mọi người”.

Bà T. im lặng và đầu càng lúc càng cúi xuống khi bị các thẩm phán truy vì sao bà lại đối xử với chồng như thế...

Cuối cùng, HĐXX bác kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm. Theo tòa, việc bà T. nói ông L. nghiện ma túy là không đúng. Bởi kết quả xác minh tại địa phương và xét nghiệm tại bệnh viện thì ông L. không có sử dụng ma túy. Ngoài ra, ông L. làm nông có thu nhập nên có điều kiện để nuôi dạy con. Nếu giao hai con cho bà T. nuôi thì sẽ có khó khăn vì bà chỉ thu nhập từ việc bán bánh ướt. Mỗi người nuôi một trẻ sẽ đảm bảo quyền lợi được chăm sóc tốt của hai con.

Ai cũng muốn giành riêng cho mình

Trong một phiên xử khác, nếu chỉ xét xử không thôi thì thời gian có thể sẽ ngắn hơn nhiều. Nhưng HĐXX đã bỏ công ra hòa giải cả buổi. Bởi nếu chỉ xét xử không thôi thì cuộc chiến giành trẻ không biết khi nào mới dừng và sẽ gây tổn thương cho con nhỏ. Đó là nỗi trăn trở của người thẩm phán chủ tọa trong một phiên tòa phúc thẩm xem xét việc thay đổi quyền nuôi con.

Đại diện nguyên đơn là bà nội của đứa trẻ, còn bị đơn là người mẹ của đứa trẻ, người kháng cáo vì bị thay đổi quyền nuôi con.

Chưa đầy một năm sau khi ly hôn, cha đứa bé nộp đơn tại TAND quận 5 (TP.HCM) xin giành quyền nuôi con trai hơn ba tuổi. Lý do: Ông bị mẹ nó ngăn cản quyền thăm nom. Yêu cầu của ông đã được tòa sơ thẩm chấp thuận. Từ đây, mẹ cháu bé gửi đơn khiếu nại khắp nơi kêu gọi sự giúp đỡ của các cấp đoàn thể, chính quyền, gây tác động đến quá trình giải quyết tại tòa án.

Tại phiên xử phúc thẩm, bà nội cháu bé một mực muốn trực tiếp nuôi dưỡng cháu. Bà cho rằng mình là giáo viên nghỉ hưu nên có thời gian chăm sóc tốt cho cháu. Trong khi đó, mẹ cháu thu nhập không cao, đời sống riêng phức tạp. Ngược lại, mẹ cháu bé nói con mình còn nhỏ nên cần phải sống bên mẹ, chỉ có mẹ mới nuôi dưỡng, chăm sóc con mình tốt nhất, cả thể xác lẫn tâm hồn... Cứ thế, mỗi bên đều đưa ra lý do để bảo vệ cho quan điểm của mình.

Thẩm phán phải phân tích, giải thích nhiều lần, rằng con nhỏ giao mẹ nuôi tốt hơn và việc đòi thăm con bất chấp giờ giấc là không đúng. Ngoài ra, cha cháu bé làm xây dựng, hay đi công tác nên không thể gần con chăm sóc. Tuy nhiên, việc người mẹ không cho cháu bé gặp nhà nội là không đúng. Hai bên nên ngồi lại sắp xếp lại thời gian chăm sóc bé, không nên ích kỷ cố giữ riêng con cho mình khiến trẻ càng thêm thiệt thòi. Theo tòa, hai vợ chồng đã chia tay thì nên cùng tạo điều kiện để con cái được phát triển tốt nhất, cả vật chất và tinh thần, nhằm bù đắp phần nào thiệt thòi cho cháu khi không được gần cả cha lẫn mẹ, không nên khoét sâu thêm hố ngăn cách tình cảm của con trẻ...

Việc hòa giải của tòa nhiều lần bị ngắt quãng bởi hai bên làm căng thẳng, kể xấu nhau. HĐXX phải vừa nhẹ nhàng giải thích, vừa phải răn đe cho đôi bên thấu tình đạt lý.

Phiên xử kéo dài quá trưa đôi bên mới đi đến thống nhất chung. Người mẹ tiếp tục nuôi con nhưng tối thứ Năm bên nội đón về ở chung đến thứ Bảy giao lại. Trong lúc chờ tòa nghị án, hai bên đã nói chuyện bình thường, không còn trách móc nhau nữa.

***

Ở cả hai phiên tòa phúc thẩm, hai thẩm phán chủ tọa đều có cùng suy nghĩ và tâm trạng khi cân nhắc ra phán quyết thấu lý đạt tình. Ai cũng muốn cố gắng hòa giải để sau phiên tòa hai bên cảm thấy nhẹ nhàng, nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng không tốt đến con trẻ.

Tuy nhiên, ở vụ án đầu, vị thẩm phán cảm thấy lòng trĩu nặng sau khi tuyên án xong. Bởi theo ông, với tính cách so kè, dữ dằn, sẵn sàng gây tổn thương cho người khác như thế thì liệu người mẹ đó sẽ dạy dỗ con cái ra sao. Và đâu chỉ mỗi người nuôi một đứa là xong, hai đứa trẻ liệu có được thường xuyên gần gũi, gắn bó nhau như tình thân máu mủ ruột rà...

HOÀNG YẾN

 

Thay đổi người nuôi con

Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con nếu con từ đủ chín tuổi trở lên.

(Trích Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm