Đà Nẵng chấm dứt 'sứ mệnh' đào tạo nhân tài?

Trong buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa và Sở Nội vụ TP Đà Nẵng vào chiều 25-7, vấn đề “sứ mệnh” của đề án đào tạo nhân tài của TP Đà Nẵng (gọi tắt là Đề án 922) đã được đưa ra bàn thảo. Nhiều ý kiến băn khoăn liệu có nên tiếp tục duy trì đề án hay chấm dứt vai trò của nó?

Được biết đây cũng là một cuộc làm việc đầu tiên giữa một bí thư Thành ủy Đà Nẵng với Sở Nội vụ TP này kể từ ngày chia tách Quảng Nam - Đà Nẵng tới nay. 

Ném cả núi tiền vào đề án

Theo ông Võ Ngọc Đồng (Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng), tính đến tháng 6-2018, TP đã cử 616 người đi học theo Đề án 922, trong đó có 460 học viên đã được bố trí công tác.

Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng. Ảnh: LÊ PHI

“Đến nay, số lượng học viên đề án đang công tác tại các cơ quan, đơn vị là 380 người. Cụ thể, 136 học viên được bố trí tại các cơ quan hành chính, 210 học viên được bố trí tại các đơn vị sự nghiệp...

Qua thực tế công tác đã có 207 học viên được tuyển dụng công chức, viên chức; 88 học viên được kết nạp vào Đảng; 60 học viên được bổ nhiệm cán bộ quản lý (44 quản lý cấp phòng hoặc tương đương, 16 giữ chức vụ phó giám đốc cấp sở hoặc tương đương trở lên)” - ông Đồng cho hay.

Cũng theo ông Đồng, có 93 học viên xin rút khỏi đề án, bao gồm 40 người xin rút khỏi đề án khi đã nhận công tác; 47 học viên vi phạm hợp đồng. 

Trước việc này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đặt câu hỏi: “Đến bây giờ, Đề án 922 của chúng ta đã chi tiêu hết bao nhiêu tiền và so sánh với các chính sách khác như thế nào?”.

Theo Bí thư Nghĩa, việc so sánh này để cho các học viên thấy về sự ưu ái của TP.

“Đã đến lúc phải xem xét lại. Một là tiền cho đi học. Hai là về đây lương trả bao nhiêu? Ba là so sánh với cống hiến ở đây thì làm cái gì mà phải giải quyết chung cư căn hộ (bố trí chung cư - PV). Thứ năm là hiệu quả công tác khi về làm việc như thế nào?... Đó mới là cái đánh giá để chúng ta thấy rằng chúng ta đúng hay sai ở trong chuyện này” - ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng đặt vấn đề: Với những ưu ái đó thì đã tạo động lực cho các học viên làm việc chưa. Khi đã tạo động lực cho những chỗ này thì có kéo các chỗ khác phát triển không hay là nó lại tạo ra một sự phản ứng?

“Bây giờ đưa một em học viên về bên cạnh chín người không được ưu đãi thì có "chiến đấu" nổi với chín người này khi mà họ không hợp tác không?” - ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Ngoài ra, theo ông Nghĩa, việc đào tạo này có nhất thiết khi về là phải vào hệ thống công quyền không và có phù hợp không?

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cũng đặt câu hỏi: Liệu có cần thiết phải duy trì Đề án 922 hay không?

Nên chấm dứt Đề án 922?

Về vấn đề kinh phí, ông Nguyễn Văn Chiến (Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng) cho hay đến thời điểm này, tổng kinh phí Đà Nẵng bỏ ra cho đề án này là trên 680 tỉ đồng.

Ông Chiến cho rằng đề án đã góp phần bổ sung cho TP một lực lượng cán bộ làm việc có chất lượng. Ngoài ra đã góp phần tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý cho TP. “Rõ ràng kinh phí đào tạo là lớn, so sánh với kinh phí thu hút thì khoản kinh phí thu hút ít hơn” - ông Chiến nói.

Trước vấn đề có nên tiếp tục “sứ mệnh” của đề án đào tạo nhân tài nữa hay không? Lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho rằng TP đã bỏ ra một kinh phí quá lớn trong 14 năm qua nhưng chỉ có 207 người được tuyển dụng công chức, viên chức là còn rất ít. Số lượng nhân tài sau đào tạo về làm việc như thế là rất khiêm tốn so với kinh phí chúng ta đã đầu tư.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói về đề án đào tạo nhân tài của Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI

“Đã đến lúc cần suy nghĩ lại về đề án. Theo cá nhân tôi là nên kết thúc vai trò của đề án này để chuyển sang thu hút người tài” - vị này nói.

Cùng quan điểm, ông Vũ Hùng (Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng) cũng cho rằng chi phí TP bỏ ra cho mỗi học viên đi học lên tới trên 1 tỉ đồng/người là quá lớn. Do đó cần phải phân tích kỹ càng hiệu quả của đề án.

“Đến nay nên kết thúc hay tiếp tục?” - ông Vũ Hùng đặt câu hỏi.

Và theo ông Hùng, TP nên tập trung vào thu hút nhân tài hơn là đào tạo từ sinh viên các trường đại học. “Khi có nhu cầu đào tạo thì chúng ta chọn người của chúng ta đi đào tạo. Cái này hợp lý hơn là chọn sinh viên đi đào tạo” - ông Hùng cho hay.

Kết luận vấn đề này, ông Trương Quang Nghĩa (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) cho rằng Sở Nội vụ phải đánh giá lại hiệu quả của đề án.

Theo ông, chi phí mà TP bỏ ra phải lớn hơn nhiều 680 tỉ đồng mà sở này báo cáo. Bởi 680 tỉ đó mới là chi cho học tập nhưng sau khi về làm việc tại TP còn có rất nhiều thứ phải chi như bố trí chung cư và rất nhiều thứ khác.

“Nếu sòng phẳng theo đề án thì kinh phí phải cả 1.000 tỉ đồng” - ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng cho rằng cần mở rộng người tuyển dụng và phải coi Đà Nẵng là nơi để con em những nơi khác về để phục vụ.

Theo ông Nghĩa, việc thu hút nhân tài về làm việc cũng phải rất kỹ càng. Đặc biệt là phải mạnh dạn thu hút người "đầu tàu" các sở, ngành luôn, chứ không thu hút lìu tìu mấy em học sinh khá giỏi học về rất mất thời gian.

“Tại sao chúng ta không thu hút hẳn một ông trưởng ban quản lý, thu hút hẳn một ông giám đốc sở. Khi chúng ta cần chỗ nọ chỗ kia, cần một người có sự đột phá nhất định trong một lĩnh vực nào đấy thì ta tuyển hẳn cỡ một cấp như thế thì mới đáng để thu hút. Chứ thu hút mà những cháu mới tốt nghiệp thì câu chuyện đó còn xa lắm...” - Bí thư Trương Quang Nghĩa gợi ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm