Đà Nẵng đưa người nghiện đi cai thế nào?

Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2013 và các văn bản liên quan thì khi phát hiện người nghiện phải giáo dục tại xã, phường và cai nghiện tại cộng đồng mất từ sáu đến 12 tháng. Nếu chính quyền tiếp tục phát hiện họ tái nghiện thì mới đưa họ đi cai tập trung được. Quá trình này phải lập hồ sơ qua nhiều cơ quan khác nhau như tư pháp, lao động thương binh xã hội, công an và rất mất thời gian.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nói: “Quy định này hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn và tôi dám chắc nó sẽ phá sản. Cả nước đến bây giờ rất khó đưa các trường hợp nghiện vào trung tâm cai nghiện mặc dù luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Trong khi đó, tình hình ma túy trở nên rất phức tạp. 60% đối tượng tội phạm liên quan đến ma túy vì họ hầu hết không có việc làm nên dễ sinh ra phạm pháp”.

Theo ông Thơ, thấy quy định trên bất ổn nên từ tháng 6-2014, TP Đà Nẵng bắt đầu khởi động cách làm riêng của mình. Trước khi làm TP đã làm văn bản báo cáo hết các khó khăn để xin ý kiến các bộ, ban ngành, trung ương nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi.

Rất ít người nghiện đang được cai và học nghề tại trung tâm cai nghiện tại Trung tâm 05-06 Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI

Xác định tình trạng nghiện: Dễ òm!

“Vì TP đã tuyên bố là TP “5 không, 3 có” (trong đó không có người nghiện tại cộng đồng - PV) nhưng bây giờ TP đã có tới 1.888 người nghiện còn lang thang ngoài cộng đồng mà không đưa vào trại được. Mà thực tế con số này còn cao hơn thế nhiều chứ không phải chừng đó. Đà Nẵng quyết tâm ban hành Quy chế phối hợp để cai nghiện cho người nghiện. Với quy chế này TP sẽ chủ động hết. Những gì luật, thông tư, nghị định chưa rõ ràng, quy định chưa cụ thể thì TP Đà Nẵng sẽ quy định” - ông Thơ cho biết.

Vị phó chủ tịch này dẫn chứng: “Ví dụ, luật nói để xác định tình trạng nghiện (mới có thể đưa ra xét được - PV) thì: “Nghiện là tình trạng lệ thuộc vào ma túy”. Nói một câu như vậy nhưng không thể xác định được như thế nào là lệ thuộc. Cái này thì chịu. Nghiện heroin thì còn xác định được chứ nghiện ma túy tổng hợp thì cả thế giới hiện nay cũng không thể xác định được. Vì vậy trong khi chưa có hướng dẫn thì Đà Nẵng ban hành: “Với những ai trước đây đã có hồ sơ nghiện, đã cai nghiện tại trung tâm rồi. Bây giờ công an phát hiện người đó có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy, thế là nghiện. Từ đó sẽ mời đem ra xử lý để đưa vào trung tâm cai nghiện”.

Con nghiện đói thuốc, vật vã lang thang ở TP.HCM. Ảnh: Xuân Ngọc

Rút ngắn thời gian làm hồ sơ

Ông Thơ cho rằng theo quy định hiện hành thì việc lập hồ sơ người cai nghiện kéo quá dài ngày, trải qua nhiều cơ quan. Đà Nẵng không thể làm như vậy. “Tất cả phòng ban, quận huyện, tư pháp, công an, lao động thương binh xã hội… ngồi lại với nhau, trong ba ngày phải thống nhất lập hồ sơ chuyển qua tòa án. Trong vòng 3-5 ngày tòa phải quyết định đưa đi cai nghiện tập trung hay không”.

Theo ông Thơ, thời gian cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, luật hiện quy định từ sáu đến 12 tháng là quá dài. “Thời gian này có khi họ bỏ chạy rồi thì ai mà quản lý được. Mà cai nghiện tập trung còn không thành công thì cai nghiện ở cộng đồng làm sao thành công được. Phần lớn đối tượng nghiện là dữ dằn, làm sao đưa cho cô y tế phường chăm sóc, giáo dục được. Cái này không khả thi. Từ đó Đà Nẵng rút ra chỉ ba tháng thôi” - ông Thơ nói.

“Quy chế này đã được chúng tôi ban hành cách đây hơn một tháng và đồng thời TP ban hành luôn chính sách hỗ trợ cho công tác này. Như về tài chính, lập, xem xét hồ sơ… Hiện nay TP đã bắt đầu rà soát lại tất cả đối tượng nghiện và Tòa án quận Hải Châu đã xử được một số trường hợp. Tuần sau chúng tôi sẽ họp, tổng rà soát lại để tiến hành củng cố tinh thần cho anh em làm quyết liệt” - ông Thơ cho biết.

Ông Thơ cũng cho biết có ý kiến cho rằng TP làm thế là không đúng luật nhưng mong mọi người ủng hộ vì đây là chính sách nhân đạo. Vào trung tâm cai nghiện của TP là được chu cấp tiền ăn, được chơi thể thao, đầy đủ đội ngũ và phương tiện để giúp người nghiện nhanh chóng cai sớm trở về với cộng đồng. “Về quy chế này chúng tôi đã phát biểu ý kiến với lãnh đạo TAND Tối cao và cũng được ủng hộ, chưa có ý kiến phản đối gì” - ông Thơ nói.

Tòa cũng gặp khó

PV Pháp Luật TP.HCM đã gặp trực tiếp làm việc với bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chánh án, Thẩm phán TAND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng). Đây là tòa đầu tiên tại TP Đà Nẵng quyết định đưa ba người nghiện vào trung tâm cai nghiện.

Bà Hà cho hay: “Trong thực tế tòa đưa ra quyết định đưa người nghiện đi cai nghiện cũng gặp nhiều vướng mắc. Sau khi tòa xét và đưa ra quyết định thì người nghiện vẫn được đưa về gia đình quản lý, không có cơ quan nào giám sát được. Phải mất năm ngày sau thì quyết định của tòa mới có hiệu lực. Như vậy trong thời gian năm ngày ấy, nếu người nghiện không chấp hành, bỏ đi khỏi địa bàn thì sẽ không hiệu quả”.

Theo Chánh án Nguyễn Thị Thu Hà, khi mở tòa sơ thẩm cấp quận/huyện để ra quyết định đưa người đi cai nghiện, đối với những người nghiện mà gia đình không muốn đưa con em họ vào trại thì họ lại kiến nghị tòa cấp trên xét lại. Quá trình chờ xét lại này cũng dài và có thể người nghiện đã trốn khỏi địa bàn. Người nghiện bỏ trốn sau khi có phán quyết của tòa thì các cơ quan chức năng lại phải đi truy tìm, áp dụng các biện pháp cưỡng chế đưa vào trại. Quy trình này sẽ rất gian nan. Chưa kể là trong quá trình tòa xét để đưa ra quyết định thì người nghiện có thể lên cơn ngáo đá sẽ gây nguy hiểm cho mọi người, kể cả thẩm phán.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm