Đà Nẵng: Kỳ lạ, một tô bún mà ba sở quản lý

Theo ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, năm năm qua trên địa bàn TP chỉ xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm và không có ai tử vong… Tuy nhiên, hiện nay các ngành chức năng chỉ quản lý được những cơ sở cố định, còn các đối tượng hàng rong thì rất khó quản, thậm chí không quản được.

Sau khi nghe báo cáo, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đặt vấn đề: Chỉ quản lý một “nhúm” người như vậy mà không được thì không biết các ngành chức năng của TP đang quản lý cái gì, trong khi hằng ngày người dân vẫn ăn thực phẩm ô nhiễm.

Ông Dũng cũng cho rằng hiện nay vấn đề quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang rất cát cứ. “Người thì được giao quản lý đường, người thì sữa, người thịt heo không biết đường nào mà lần. Chả hiểu sao lại phân ra như thế. Kỳ lạ, một tô bún mà ba sở quản lý. Do nhiều người quản lý quá đâm ra không ai quản lý cả” - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng dẫn chứng.

Theo ông Dũng, những địa phương, đơn vị nào không quản lý được các cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn thì cần phải xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cũng đề nghị TP cần có cơ chế để xử lý nghiêm đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn, sử dụng các chất độc hại. “Hiện nay các bà nội trợ đi chợ không biết mua gì vì cái gì cũng độc” - ông Chương nói và đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của ban quản lý chợ và siêu thị nếu có thực phẩm bẩn.

Trong khi đó, ông Dũng đề nghị cần bắt tay ngay vào giải quyết các vấn đề liên quan đến thực phẩm bẩn hiện nay. Nhưng cái khó là các văn bản pháp luật hiện hành lại chưa có chế tài thật mạnh để xử lý người sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn. “Chính sách đang trói chặt chúng ta lại, làm không được” - ông Dũng nói. 

Vì vậy ông Dũng cho rằng cái gì nằm trong thẩm quyền của TP thì thực hiện ngay. Làm sao để đảm bảo sức khỏe cho dân là được.

TP Đà Nẵng sẽ siết chặt quản lý việc buôn bán thực phẩm bẩn tại các chợ để bảo vệ sức khỏe của người dân. Ảnh: LÊ PHI

Theo đó, các ngành cứ mạnh dạn làm và phải tạo “quả đấm thép” thì may ra mới chống được thực phẩm bẩn. “Phải lo lắng và nghĩ về vấn đề ATTP, ăn cũng nghĩ, ngủ cũng nghĩ, đi chơi cũng nghĩ thì may ra chúng ta mới giải quyết được” - ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải lâu lâu đóng giả người tiêu dùng, người lái buôn để đi kiểm tra thực phẩm bẩn. Đồng thời phải nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu chợ, siêu thị. Những người đứng đầu này phải chịu trách nhiệm khi có tiểu thương bán chất cấm gây hại đến sức khỏe.

Ông Dũng yêu cầu Sở Y tế phải ngồi lại với các ngành chức năng để ra cho được quy trình, quy chế xử lý đối với thực phẩm bẩn trước ngày 15-5. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm