Đã nghe đã thấy: Nhà báo và chủ quyền Tổ quốc

Chủ quyền đất nước đã trở thành cảm xúc chung, thành lý tưởng và động cơ tác nghiệp. Ngày Nhà báo vừa qua là dịp để ôn lại những kỷ niệm tác nghiệp ở điểm nóng Hoàng Sa, tôn vinh những nhà báo dấn thân tác nghiệp tại đây. Và những PV - người trong cuộc - ấy cũng cho biết họ đã có một cảm xúc khó tả trong khi tác nghiệp nơi đầu sóng: Cảm xúc của một công dân khi chủ quyền đất nước bị xâm hại bên cạnh cảm xúc và nghĩa vụ của người đưa tin đến công chúng.

Tác nghiệp ở Hoàng Sa những ngày ấy vì thế cũng đặc biệt hơn khi thực hiện những đề tài khác. Cảm xúc chủ quyền đã vượt lên trên việc cạnh tranh thông tin. Tất cả nhà báo đều hướng tới đối tượng bạn đọc là “nhân dân”, là “đồng bào” với nghĩa thiêng liêng nhất. Họ đã trở thành những người lính trên mặt trận truyền thông và dù ở những cơ quan báo chí khác nhau, họ chung một chiến hào.

Vì thế họ giúp nhau chuyển thông tin về tòa soạn sớm nhất, họ san sẻ những bức ảnh, clip quay được cho cả đồng nghiệp quốc tế mà không cần một khoản thù lao mua tin nào. Tất cả đều chung mục đích: Những thông tin về hành vi ngang ngược của Trung Quốc đến với người dân cả nước và dư luận thế giới một cách chính xác, đầy đủ và thuyết phục nhất. Giá cước điện thoại vệ tinh không hề rẻ và nhiều tòa soạn đã không kịp trang bị cho PV trước khi lên đường, nhiều PV Tuổi Trẻ, Thanh Niên đã cho đồng nghiệp mượn để sử dụng mà không so đo tính toán. PV Pháp Luật TP.HCM đã chia sẻ cảnh quay của anh cho đồng nghiệp quốc tế ngay trên tàu.

Ngày 21-6 năm nay trở thành một ngày đặc biệt của các nhà báo và kỷ niệm tác nghiệp ở Hoàng Sa chắc chắn sẽ trở thành dấu ấn cảm xúc không phai trong đời làm báo của mỗi người. Hơn thế, nó sẽ là hành trang quý giá tiếp thêm sức mạnh trên con đường chông gai ấy.

Những gì các tờ báo, các nhà báo đã làm đã khẳng định nhà báo Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước, trái tim họ luôn đập chung nhịp với nhân dân.

ĐỨC HIỂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm