Đại biểu đề nghị kiểm soát giao dịch ngân sách bằng tiền mặt

“Nghe báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), chúng ta có hơn một triệu bản kê khai tài sản nhưng xác minh được 44 người, xử lý sáu người. Như vậy, hầu như chúng ta không làm, nên cần có cơ chế xác minh hằng năm…”.

Đó là kiến nghị của ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tại phiên thảo luận về dự án Luật PCTN, sáng 25-10.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng cần kiểm soát khu vực tư nhân.

Kiểm soát tham nhũng từ khu vực tư nhân

Ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị cần bổ sung cơ chế xác minh tài sản thu nhập. Theo đó, cơ quan quản lý tài sản khi nhận được bản kê khai tài sản thu nhập cá nhân cần gửi hồ sơ về địa phương để xác minh, sau đó gửi cho cơ quan chức năng. Nếu nghi vấn, cơ quan trung ương sẽ thành lập đoàn tiếp tục xác minh.

Bên cạnh đó, vị này cho rằng cả hai phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm đều không đảm bảo. Theo ông Nhưỡng, nếu sử dụng tòa án hành chính thì không có khái niệm này. Còn nếu sử dụng tố tụng dân sự có hai vấn đề quan trọng, một là phải có hợp đồng, hai là có thiệt hại ngoài hợp đồng.

“Nếu chúng ta sử dụng khái niệm “thu hồi tài sản” thì đã khẳng định rằng đó là tài sản lấy của người khác không hợp pháp. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự còn quy định có chiếm hữu tài sản bất hợp pháp ngay tình. Vậy vấn đề này sẽ giải quyết mối quan hệ như thế nào? Nếu không có cơ sở sẽ rất nguy hiểm… Nên cần nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng….” - ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Liên quan tới phương án thu thuế, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng phải xem ở khía cạnh khác. Nếu đã là tài sản có nghi vấn, dứt khoát phải đưa vào quá trình điều tra. Nếu là tham nhũng, cần tịch thu tiền mặt.

Góp ý thêm cho dự luật này, ông Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng đối tượng khu vực tư hiện nay đang tiếp tay cho tham nhũng ở khu vực công là các doanh nghiệp sân sau. Đây là đối tượng luật cần kiểm soát nhưng trong dự thảo luật không đề cập đến. Ông Cường kiến nghị cần kiểm soát tham nhũng khu vực tư, hình thức công khai tài sản ba năm/lần.

Dẫn chứng thế giới đang kiểm soát dòng tiền từ đầu đến cuối, ông Cường cũng đề nghị phải “truy” đến cùng dòng tiền chứ không căn cứ trên chứng từ như hiện nay.

ĐB Hoàng Văn Cường cũng đồng tình với dự thảo về quy định không dùng tiền mặt để giao dịch. Tuy nhiên, ông Cường đề nghị luật cần mở rộng quy định Chính phủ phải có biện pháp tài chính và công nghệ để tất cả giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ liên quan đến sử dụng tài sản nhà nước đều phải thực hiện không dùng tiền mặt.

"Trên thế giới hiện nay, fintech phát triển rất mạnh nên thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến. Thậm chí có nơi người ăn xin, người bán hàng rong cũng dùng mã QR code mà không dùng tiền mặt. Không có lý do gì, trong bối cảnh như vậy mà dòng tiền từ ngân sách đưa ra lại vẫn cứ dùng tiền mặt"- ông Cường nói.

Ngoài ra, vị đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng kiến nghị cần có khen thưởng xứng đáng đối với người đấu tranh PCTN. Vì theo ông Cường, những người này phải đối diện với nguy hiểm, chịu thiệt thòi như mất việc, liên lụy gia đình vợ con, thiệt hại kinh tế lớn... “Vì vậy, cần quy định rõ chế độ đối với người đứng lên chống tham nhũng, ít nhất bù đắp được hao tốn, chi phí khi mất đi đứng lên chống tham nhũng…” - ông Cường nêu quan điểm.

Khai ra người nhận hối lộ nhưng tòa vẫn không xử được

ĐB  Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đồng tình với phương án của dự thảo luật là giao cho Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành thanh tra, kiểm soát tài sản, thu nhập cá nhân. Theo ĐB, quan điểm này phù hợp với phân cấp quản lý, vừa sát với thực tiễn, không làm tăng thêm biên chế, không phát sinh nhiều cơ quan quản lý...

Về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, vị ĐB đề nghị QH phải xem xét thật kỹ lưỡng và không đồng tình với phương án xử lý tài sản tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được nguồn gốc phải chuyển qua tòa án.

“Thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra không chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có thì không thể có chứng cứ, cơ sở pháp lý để quy tội và không thể chuyển cho tòa án xét xử. Thực tế nhiều vụ án phạm tội nhận hối lộ, người ta khai ông A đưa cho ông B nhưng tòa không thể kết tội vì không có căn cứ…” - ông Phương dẫn chứng.

Thêm vào đó, tài sản thực tế là của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản đó là do vi phạm pháp luật mà có nhưng lại giao cho tòa xử lý để thu hồi. Ông Phương đặt câu hỏi: “Điều này có vi phạm với Hiến pháp hay không?”.

Vị ĐBQH khẳng định thêm nếu vụ việc không chứng minh được vi phạm mà thu hồi thì khó thực thi. Tới thi hành án hoặc cưỡng chế chắc chắn sẽ phát sinh những xung đột khó lường và sẽ làm bất an trong xã hội, gây ra sự phản kháng, kháng cự chống lại.

“Không có căn cứ pháp lý mà chuyển cho tòa án sẽ làm khó cho tòa án, vì kết luận đúng, sai không có cơ sở. Việc này sẽ dễ làm phát sinh tiêu cực, làm mất cán bộ, làm mất niềm tin của người dân, chưa nói tới làm tăng số lượng vụ án, tăng thời gian xét xử, đòi hỏi tăng biên chế cho tòa án. Tòa án hiện nay nhiều vụ xét xử người dân đã không tin rồi, trong khi đó đưa việc này vào mà không có căn cứ thì dễ phát sinh sinh tiêu cực…” - ông Phương nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm