Đại biểu nói về triệt sản được nghỉ tham gia dân quân tự vệ

Sáng 13-6, các đạo biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ.

ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) phát biểu góp ý trước Quốc hội.

ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) phát biểu về chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ bị ốm, tai nạn, chết, bị thương tại Điều 35 Dự án Luật.

Theo đó, Dự án luật quy định về nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 35 tháng tuổi, nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động, trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai và dịch bệnh nguy hiểm; hay con duy nhất của thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam dioxin được tạm hoãn nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.

Dân quân tự vệ khi thực hiện các biện pháp triệt sản, dân quân nữ khi thực hiện các biện pháp đặt vòng tránh thai được nghỉ thực hiện nhiệm vụ dân quân tự vệ, thời gian nghỉ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

"Đây là những nội dung sửa đổi hợp lý và nhân văn ghi nhận quyền lợi chính đáng của dân quân tự vệ. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo rà soát để quy định đầy đủ các trường hợp tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.

Ví dụ, dân quân tự vệ mang thai hộ và được nghỉ thực hiện nghĩa vụ quân sự như dân quân tự vệ nam có vợ sinh con…”,  ĐN Tiền Giang đề nghị.

Liên quan đến luật này, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết đối với chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, ĐB đề nghị ở những xã, thị trấn trọng điểm quốc phòng, an ninh nên bố trí hai người Phó Chỉ huy trưởng cấp xã. Trong đó một Phó Chỉ huy trưởng là chủ tịch cựu chiến binh kiêm nhiệm có trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học ngành quân sự cơ sở, đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và một Phó chỉ huy trưởng là người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) cho rằng thực tiễn địa phương rất nhiều nơi hiện nay có Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã trên dưới 50 tuổi đủ sức khỏe và đã kinh qua quân đội có rất nhiều kinh nghiệm, đã được huấn luyện. Cho nên, sử dụng được lực lượng này sẽ tận dụng rất tốt cho dân quân tự vệ địa phương.

Giải trình, tiếp thu sau đó, ông Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết về chỉ huy Ban chỉ huy quân sự cấp xã thì quá trình xây dựng luật, Bộ Quốc phòng trình Chính phủ 2 phương án. Phương án 1 quy định trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã do sĩ quan chính quy của quân đội đảm nhiệm. Phương án 2 quy định Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã do sĩ quan chính quy của quân đội đảm nhiệm ngay từ thời bình. Chính phủ lựa chọn phương án 1.

Nguyên nhân chọn phương án 1 vì không làm tăng biên chế do hiện nay cơ bản Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã đã được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở và được phong quân hàm sĩ quan dự bị, được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã sẽ được gọi vào quân ngũ và trở thành sĩ quan chính quy, khi hết tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, chiến tranh thì được giải ngũ theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

“Nếu quy định sĩ quan chính quy đảm nhiệm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngay từ thời bình sẽ làm tăng 11.162 người và tăng ngân sách nhà nước hàng năm, bảo đảm chế độ chính sách cho sĩ quan, làm dôi dư và phát sinh giải quyết chế độ chính sách cho một số công chức đang đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã….”, Bộ trưởng Quốc phòng nói.

Khoản 3, Điều 35 dự án Luật Dân quân tự vệ quy định dân quân khi thực hiện các biện pháp triệt sản; dân quân nữ khi thực hiện các biện pháp đặt vòng tránh thai được nghỉ thực hiện nhiệm vụ Dân quân tự vệ, thời gian được nghỉ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm