Đại gia Lê Phước Vũ hứa không làm dự án gây ô nhiễm

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận diễn ra vào ngày 27-8 tại huyện Ninh Hải (Ninh Thuận), ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, chủ đầu tư dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận” đã chia sẻ thẳng thắn về dự án này. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Vũ cho biết dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận” có công suất 16 triệu tấn/năm, với vốn đầu tư khoảng 10 tỉ USD, dự kiến khởi công vào năm 2017 và hoàn thành toàn bộ dự án sau 8-9 năm. Giai đoạn 1 dự án sẽ được thực hiện trong năm 2017-2018, công suất dự kiến 1,5 triệu tấn/năm và sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2019.

Siêu dự án thép Cà Ná có tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỉ USD. Ảnh: TP

Siêu dự án thép Cà Ná có tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỉ USD. Ảnh: TP

Ông Lê Phước Vũ cam kết chủ đầu tư sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại, tối ưu hóa năng lực sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu và giảm thiểu tối đa tác động đối với môi trường.

Cụ thể, chủ đầu tư sẽ xây dựng hệ thống xử lý khí thải, nước thải đồng bộ, hiện đại; ứng dụng công nghệ tái sử dụng các chất thải để phục vụ các hoạt động của dự án và cộng đồng; xây dựng hệ thống hồ điều hòa chứa nước mưa và nước thải sau xử lý để tái sử dụng; thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động của các đơn vị được ủy thác xử lý chất thải.

Theo ông Vũ, bài học Formosa về môi trường cũng là kinh nghiệm cho doanh nghiệp này khi thực hiện dự án. Hoa Sen sẽ áp dụng công nghệ hiện đại nhất, đặt tiêu chí môi trường lên tất cả.

“Hôm nay, có mặt Thủ tướng, các bộ ngành và báo chí chứng kiến, thay mặt chủ đầu tư, tôi hứa nếu dự án để xảy ra ô nhiễm môi trường, tôi sẽ trả lại tài sản cho Nhà nước và đóng cửa nhà máy. Báo chí, Chính phủ cứ ghi âm, ghi hình lại lời hứa này để nếu sau này tôi không giữ lời sẽ đem tôi ra tòa xử” - ông Vũ thẳng thắn.

Ông Vũ cũng lý giải vì sao ông chọn Ninh Thuận để xây dự siêu dự án thép này. Theo đó, cảng nước sâu Cà Ná là nơi duy nhất ở Việt Nam có mực nước sâu 20 m tự nhiên, không bị bồi lắng, vùng đất này ít có bão; đây là điều kiện phù hợp để đặt tổ hợp thép sát biển.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý các bộ ngành, địa phương về vấn đề xây dựng các nhà máy ở ven biển và bảo vệ môi trường. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, khi đặt nhà máy phải có quy hoạch, tránh tình trạng băm nát bãi biển để chia lô bán đất. Các nhà máy sản xuất ở ven biển cần tập trung bảo vệ môi trường. Nếu vi phạm môi trường phải đóng cửa nhà máy và trả lại toàn bộ tài sản.

“Công tác đánh giá tác động môi trường phải làm nghiêm khắc với quan điểm phát triển bền vững. Tôi nhắc đi nhắc lại chỗ này. Bài học đã có rồi” - Thủ tướng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm