Dặm dài Tây Nguyên

Đến bây giờ tôi cũng không cắt nghĩa được con đường nào đã đưa tôi từ Huế lên Pleiku ngay khi vừa tốt nghiệp đại học.

Huế-Pleiku ba chặng ba ngày. Cái thời năm 1981 ấy, không mấy người biết Gia Lai, Kon Tum ở đâu. Một số người yêu nhạc Phạm Duy (yêu... lậu thôi vì đang bị cấm) thì biết đến “Em Pleiku má đỏ môi hồng/ Ở đây bui chiu quanh năm mùa đông. Tôi là một trong số những người yêu... đơn phương như thế.

Chúng tôi là lứa sinh viên khóa 1 của Trường ĐH Tổng hợp Huế đào tạo sau ngày thống nhất, cả dải miền Trung muốn đi đâu thì đi, thậm chí cả Hà Nội, Sài Gòn. Thế mà vẫn có dăm gã ghi nguyện vọng lên Tây Nguyên rồi cặm cụi đeo ba lô lên đường.

Tôi đi xe đò ba chặng, mất đúng ba ngày mới lên tới Pleiku.

Chiều chênh vênh thì cái xe Desoto chạy dầu khói mù mịt vượt đèo An Khê. Đèo Ngang, đèo Hải Vân tôi đã qua vài lần, còn đèo An Khê thì đây là lần đầu tiên. Con đèo trườn giữa mây, giữa rậm rịt rừng. Cậu lơ xe chạy tà tà sau xe, tay cầm cục gỗ sẵn sàng chèn vào bánh nếu xe... bị lùi. Từng tốp phụ nữ người Tây Nguyên, sau tôi mới biết là người Bahnar, đeo gùi đi hàng một lầm lũi trong chiều chạng vạng ám ảnh tôi kinh khủng. Những đàn dê nhởn nhơ gặm cỏ ven đường khiến khung cảnh vừa thanh bình vừa buồn...

Cứ mịt mù đi như thế, chừng 10 giờ đêm thì đến Bến xe Pleiku. Tôi nhoài người ra cửa sổ. Ơ kìa, có điện, tôi reo thầm trong bụng. Bến xe nằm trong um tùm cây cổ thụ nên vài cái bóng điện 220 V nhưng hiệu điện thế chỉ 110 V đỏ quạch chả đủ để tôi hình dung nó ra làm sao. Lại chui vào một cái phòng trọ tồi tàn ngay cổng bến xe. Từ khi lên xe ở Huế, đây là đêm thứ ba tôi ngủ nhà trọ. Đêm thứ nhất là ở Bến xe Đà Nẵng. Đêm thứ hai là ở Bến xe Quy Nhơn và đêm thứ ba là ở đây, nơi tôi sẽ nhận công tác vào ngày mai.

Nhìn xuôi xuống dốc Hội Phú vào trung tâm Pleiku theo tay chỉ của một chị buôn chuyến khi tôi hỏi Pleiku chỗ nào, tôi thấy một màn đen thăm thẳm, thi thoảng vài bóng điện nhạt nhòa bị sương phủ, trông như những ngôi làng sau chiến tranh tôi đọc trong tiểu thuyết nước ngoài từ thời còn học phổ thông.

Bây giờ thì những chuyện trên đã là ký ức, Pleiku đã trở thành đô thị loại 2, đang chuẩn bị lên đô thị loại 1. Tây Nguyên trở thành một điểm nhấn quan trọng trên trục giao thông Bắc Nam, Đông Tây.

Nhà thờ gỗ Kon Tum có từ hơn 100 năm trước, nơi không thể không ghé khi qua Tây Nguyên. Ảnh: MM

Từng có một “con đường Chăm” kéo từ biển miền Trung qua Tây Nguyên, sang Ratanakiri của Campuchia đến tận Angko Vat, Angko Thom. Ảnh: MM

Giáp Tết này, tôi vừa đi một vòng biên giới. Bên cạnh những con đường tấp nập như đường 14, đường 19, đường Hồ Chí Minh thì Tây Nguyên quyến rũ bởi những con đường len lỏi trong rừng già. Có thể là đường dân sinh, là những con đường nội bộ của các công ty cao su, hoặc là đường tuần tra biên giới. Những con đường mở ra, dân sinh phát triển, kinh tế phát triển theo. Những thị tứ, thị trấn mở dọc theo những con đường. Những gia đình, những cuộc đời, những đứa trẻ sinh ra trên những con đường ấy. Những ngôi làng, những vùng dân cư hình thành từ đấy.

Trên con đường chạy dọc biên giới chỗ “một tiếng gà gáy cả ba nước đều nghe” là ngã ba Ngọc Hồi, không phải ngay ngã ba ấy mà chạy thêm mấy chục cây số nữa, giữa một làng Sê Đăng, tôi gặp một cô gái người Quảng Bình. Cô gái tên là Thủy.

Thật tuyệt vời khi cô bé xuất hiện ở đây, vì tôi - mang danh là khá hiểu về Tây Nguyên - đã hoàn toàn phải tâm phục khẩu phục khi cô bé nói về cái làng Sê Đăng mà cô đang sống. Cô rất am hiểu họ, biết vanh vách từng người, nói về từng nhà như nói về gia đình mình. Mỗi khi muốn về quê, hoặc cô nhảy hai chặng xe xuống Pleiku mua vé về Quảng Bình, hoặc ra ngã ba Ngọc Hồi vẫy xe ra Bắc theo đường Hồ Chí Minh. Cách thứ nhất xa và nhiêu khê nhưng chắc chắn hơn. Cách thứ hai có khi phải đứng hoặc ngồi ghế súp cả ngày. Cô là cán bộ dân vận của Công ty 732, công ty cao su trực thuộc Binh đoàn 15.

Phân biệt được Pleiku và Kon Tum là chuyện không dễ với nhiều người dù hai đô thị Tây Nguyên này cách nhau 48 cây số. Từ đồng bằng, theo đường Quy Nhơn hoặc Tuy Hòa thì Pleiku đều gần hơn nhưng các nhà truyền đạo người Pháp đã bỏ qua Pleiku, lên thẳng Kon Tum. Kon Tum là đô thị đầu tiên của Bắc Tây Nguyên. Kiến trúc của Kon Tum mang dấu ấn Pháp rất rõ. Nó thanh bình và trữ tình, mềm mại, duyên dáng và thấp thoáng sự bí ẩn. Nó là thành phố của tao nhã và bền vững; khác với Pleiku, thời ấy là một quận của Kon Tum, là thành phố của chiến tranh và phục vụ chiến tranh.

Năm 1975, Pleiku toàn nhà tôn với rào kẽm gai, khu gia binh và những con đường lở lói. Trên trục ấy, đi lên phía Bắc có một con đường nữa, con đường của tù nhân. Ngục Kon Tum đã nổi tiếng, ngục Đăk Lây còn nổi tiếng hơn. Giờ thi thoảng tôi lái xe về Huế, từ Pleiku lên đến Đăk Lây chỉ nửa ngày, còn trước đó đi xe đò có khi phải hai ngày mới tới nơi. Thế mà ngày xưa Pháp bắt các chiến sĩ cộng sản đi bộ, chân cùm tay trói, díu vào nhau, ngày này sang tháng khác, cũng phải lên đến nơi. Mà hồi ấy rừng âm u, đường chưa có, cứ lần rừng mà đi, người chết nhiều hơn người sống, lính áp tải cũng chết dọc đường nhiều.

Vậy mà chính tại nhà tù Đăk Lây này, nhà thơ Tố Hữu đã vượt ngục. Một mình, rừng xanh núi đỏ, âm u bạt ngàn, tiếng tăm không biết, chỉ có đồng bào dân tộc. Thế mà ông đã vượt ngục thành công. Chưa hết, ông còn được dân làng đón tiếp rất trọng thị. “Ơi làng Rô nhỏ của tôi/ Cao cao ngọn núi chiếc nôi đại bàng” là ngôi làng đã chứa chấp Tố Hữu khi ông vượt ngục Đăk Lây, sau đó dò dẫm một mình trong rừng tới làng Rô, rồi lại âm thầm băng rừng đi tiếp…

Sẽ đến lúc nào đấy khoảng cách địa lý được tính bằng cái chớp mắt. Còn bây giờ vẫn là một Tây Nguyên dặm dài, ít nhất là với những người chưa xách ba lô lên và đi…

Dấu tích của biển và của văn hóa Chăm

Có thời tôi đã hết sức ngạc nhiên khi thấy trên Tây Nguyên có dấu tích của biển và của văn hóa Chăm. Ngay trên con đường 19 nối Quy Nhơn lên Pleiku để tỏa đi Tây Nguyên, con đường mà năm 1981 tôi đeo ba lô lần đầu lên ấy, có một tấm bia có chữ Chăm cổ. Nghi hoặc hay là có cuộc tạo sơn nào đấy mà cái bia ấy dạt lên đây bởi người Chăm chủ yếu sống ở ven biển miền Trung, dù các tháp Chăm luôn đặt trên khu vực núi.

Dặm dài Tây Nguyên ảnh 3Mày mò mãi thì nhà nghiên cứu Chăm nổi tiếng Trần Kỳ Phương giải thích rằng có một “con đường Chăm” kéo từ biển miền Trung qua Tây Nguyên, sang Ratanakiri của Campuchia đến tận Angko Vat, Angko Thom. Ra thế, những tấm bia và nền tháp cũ nói lên điều ấy. Và cũng nói thêm điều này nữa, ấy là những nơi có tháp Chăm thường là những nơi giàu có. Thường thì các trung tâm kinh tế hay nằm sát các trung tâm văn hóa, ông Trần Kỳ Phương giải thích với tôi như thế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm