'Dân Bình Quới - Thanh Đa chờ nửa đời mà dự án chưa xong'

Sáng 23-3, tại kỳ họp thứ 24 HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2016-2021, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã đã báo cáo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Phương hướng điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến 2040T

Theo ông Nhã, mục tiêu của lần điều chỉnh này nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận. Đồng thời, phát triển TP Thủ Đức theo mô hình đô thị sáng tạo tương tác cao, trở thành thành phố kinh tế tri thức và trí tuệ nhân tạo, động lực tăng trưởng của TP.HCM và khu vực.

Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã báo cáo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM tại kỳ họp. Ảnh: LÊ THOA

Các định hướng, chủ trương quan trọng của TP là chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP, phát triển ngành dịch vụ; phát triển TP thành đô thị thông minh; phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM - là nền tảng hình thành TP Thủ Đức; phát triển Khu đô thị biển Cần Giờ; xây dựng 4 huyện ngoại thành phát triển thành quận.

Phạm vi nghiên cứu điều chỉnh lần này là toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM với diện tích 2.095 km2 và 28,7 km2 khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Điều chỉnh quy hoạch chung này dựa trên nghiên cứu gián tiếp ranh giới hành chính các tỉnh xung quanh thuộc Vùng TP.HCM (Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam) với diện tích 30.404 km2, gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang.

Về phân bổ dân cư, đến năm 2040 có khoảng 13-14 triệu người, tầm nhìn đến năm 2060 là 16 triệu người. Trong đó, dự kiến khu vực nội thành cũ có 4,5-5 triệu người; TP Thủ Đức có 1,9 triệu người (năm 2060 là 3 triệu người); khu nội thành phát triển có 2,2-2,9 triệu người; khu ngoại thành khoảng 4,2-5,6 triệu dân (dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người); riêng khu đô thị du lịch biển Cần Giờ khoảng 230.000 người.

Quy mô đất đai xây dựng đô thị đến năm 2040 khoảng 100.000-110.000 ha. Trong đó, khu nội thành cũ khoảng 14.000 ha, khu nội thành phát triển khoảng 35.000 ha (bao gồm TP Thủ Đức), và khu ngoại thành 50.000-60.000 ha.

Với sự điều chỉnh này, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc cho rằng đô thị TP.HCM sẽ được phát triển theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; định hướng giao thông công cộng (TOD), phát triển đô thị mật độ cao, kết hợp nhiều chức năng khác nhau xung quanh các nhà ga giao thông công cộng sức chở lớn.

Song song đó sẽ hình thành các hạt nhân của trung tâm chính và trung tâm phụ: trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ, y tế, văn hóa, nghiên cứu, giáo dục đào tạo… của vùng đô thị; củng cố cấu trúc đô thị đa cực. Đồng thời, giữ gìn và nâng cao bản sắc không gian kiến trúc cảnh quan TP.

Tầm nhìn đến năm 2060, TP HCM là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn, trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm tài chính và dịch vụ của châu Á - Thái Bình Dương.

Tiếng nói và lợi ích của dân trong quy hoạch chưa đồng bộ

Góp ý về báo cáo này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, đề nghị quan tâm nhiều hơn đến tính khả thi của quy hoạch. Có những quy hoạch 20-30 năm vẫn không thể thực hiện được, gây xáo trộn cuộc sống của người dân.

Nguyên nhân là quy hoạch nhìn chưa tới, hoặc mong muốn thực hiện nhưng chưa đủ nguồn lực để triển khai.

Theo bà, một nguyên nhân khác khiến quy hoạch chưa đi vào cuộc sống là chưa đảm bảo tính nhân dân. Tiếng nói và lợi ích của người dân trong quy hoạch chưa đồng bộ. “Thiếu điều này nên quy hoạch khó thực hiện, quyền và lợi ích của người dân cũng chao đảo theo” – bà Tâm nói và cho rằng TP mong muốn có cây xanh, nhưng quy hoạch công viên cây xanh ở đó có bao nhiêu hộ dân, cuộc sống của họ sẽ ra sao, chao đảo, trì trệ kéo dài theo.

Bà Tâm cho rằng quy hoạch đến năm 2060 là 40 năm nữa, nếu quy hoạch không tốt mà treo suốt 40 năm thì người dân sẽ khổ sở cỡ nào.

Lấy dẫn chứng từ quy hoạch khu Bình Quới - Thanh Đa, bà Tâm cho biết người dân nơi đây “đã chờ cả nửa đời người nhưng dự án vẫn chưa thực hiện”. Từ thực tế đó, bà mong muốn quy hoạch phải có tính khả thi, đi vào cuộc sống chứ không chỉ nằm trong giấy tờ của đề án.

Bà cũng cho rằng, một khi quy hoạch mà treo thì “treo” cả nước sạch của người dân. Bởi một số khu vực đã được quy hoạch thì không thể đầu tư hệ thống nước sạch, nên nước sạch có, dân có nhu cầu mà không có nước sạch để dùng. “Quy hoạch không thực hiện, bị treo thì treo luôn cả nước sạch của người dân. Quy hoạch đồng bộ phải khả thi thì người dân mới có nước sạch sinh hoạt được” - bà Tâm nói.

Trong khi đó, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho rằng điều chỉnh quy hoạch TP.HCM nên lưu ý xu thế của thế giới hiện nay là không chỉ quan tâm đến nhà ở mà còn là chỗ làm, chỗ học, điều kiện di chuyển.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao góp ý về hạ tầng xã hội TP Thủ Đức.

Theo bà, dù được quy hoạch là Khu đô thị sáng tạo hiện đại, nhưng nền tảng văn hóa nơi đây vẫn là văn hóa truyền thống, chưa thực sự tiệm cận với văn hóa đô thị hiện đại. Trong khi đó, báo cáo điều chỉnh quy hoạch lần này chưa thấy đề cập mục tiêu cụ thể về văn hóa cho khu vực TP Thủ Đức.

Vì thế, cần xác định quy hoạch hạ tầng xã hội thành từng giai đoạn, để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng khu vực này... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm