Dân Đồng Tâm thả thêm người, gửi kiến nghị

Chiều 21-4, trời trút cơn mưa rào xuống Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội). Thời tiết dịu hơn nhưng tình hình tại đây vẫn nóng. Trong lúc có nhiều người ôn hòa hơn ở trong làng vận động, khuyên nhủ bà con còn lại thả người thì 19 cán bộ, chiến sĩ vẫn đang bị giữ ở Nhà văn hóa thôn Hoành.

“Không thể mất người dân Đồng Tâm”

Trước đó, lúc 11 giờ trưa 21-4, người dân xã Đồng Tâm đã thả ông Đặng Văn Cảnh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Đức, người bị giữ lại từ ngày 15-4. Ông Cảnh được bàn giao cho cán bộ huyện Mỹ Đức tại UBND xã Đồng Tâm trước sự chứng kiến của người dân cũng như đại diện chính quyền xã và sự việc được lập biên bản.

Biên bản bàn giao người cho biết do sức khỏe yếu, ông Cảnh được giao về cho gia đình chăm sóc. Trong khi đó, tại bản tường thuật trước lúc được thả, ông Cảnh cho biết ông được người dân chăm sóc tốt những ngày qua, không bị đánh đập hay đe dọa, “chỗ đau của tôi là do bệnh của tôi”.

Phát biểu trước nhân dân Đồng Tâm sau khi được đưa ra khỏi nơi giữ là Nhà văn hóa thôn Hoành, ông Cảnh nói: “Sự việc xảy ra sẽ có chính quyền các cấp giải quyết. Bà con yên tâm, hết sức bình tĩnh, hết sức kiềm chế. Ở đây không có chuyện đánh cắp con tin hay gì cả. Nhân dân Đồng Tâm là nhân dân của chính quyền, Đảng bộ huyện Mỹ Đức, của TP Hà Nội. Đảng và chính quyền luôn ở bên cạnh, không thể mất người dân Đồng Tâm được”.

Ông Đặng Văn Cảnh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Đức, được người dân cho về sau khi làm thủ tục bàn giao tại UBND xã Đồng Tâm sáng 21-4. Ảnh:  TRỌNG PHÚ

Gửi bản kiến nghị tám điểm

Vào chiều cùng ngày, người dân đã soạn bản kiến nghị tám điểm để gửi cho lãnh đạo TP và cơ quan chức năng do ông Bùi Viết Hiểu, người đại diện cho người dân Đồng Tâm, ký tên. Nội dung bản kiến nghị có nhấn mạnh: “Sau khi tự kiểm điểm, người dân Đồng Tâm tự nhận thấy do không hiểu biết nên đã có những sai sót, vi phạm pháp luật. Vì vậy, nhân dân mong muốn Chủ tịch UBND TP tha thứ, khoan hồng, không truy cứu hình sự”.

Bản kiến nghị cũng đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội quan tâm trực tiếp chỉ đạo và xử lý toàn diện vụ việc. Đặc biệt, người dân Đồng Tâm khẳng định đến ngày 19-4 không có việc côn đồ, đầu gấu tấn công nhân dân, không có việc dân đổ xăng vào người đe dọa các cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, người dân khẳng định những tin đồn trên các trang mạng xã hội là không đúng sự thật nhằm chia rẽ, làm hại nhân dân và các cấp chính quyền.

“Chúng tôi, nhân dân xã Đồng Tâm chỉ đấu tranh chống tham nhũng sai trái và tiêu cực. Những gì xảy ra chỉ là bước đường cùng để kêu cứu tới Đảng, Nhà nước và các cấp trung ương” - bản kiến nghị viết.

Dự kiến sáng nay sẽ đối thoại?

16 giờ ngày 21-4, ông Bùi Viết Hiểu (một người có uy tín cao với bà con Đồng Tâm) và luật sư Hoàng Văn Hướng, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội (người trợ giúp pháp lý cho người dân xã Đồng Tâm), đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung qua điện thoại.

Sau cuộc trao đổi trên, ông Hiểu cho hay cuộc đối thoại giữa Chủ tịch Nguyễn Đức Chung với người dân dự kiến diễn ra vào chiều cùng ngày đã phải tạm hoãn. “Ông Chung có nói có thể sẽ về gặp người dân Đồng Tâm vào 9-10 giờ sáng 22-4” - ông Hiểu thông tin.

Cũng theo ông Hiểu, qua cuộc trao đổi, ông Chung cho biết đã nhận được bản kiến nghị gồm tám đề nghị của người dân Đồng Tâm vào chiều 21-4. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ghi nhận những cán bộ, chiến sĩ đang bị giữ tại nhà văn hóa được nhân dân đối đãi tử tế, ăn uống đầy đủ, mua quần áo cho mặc, không đánh đập.

“Ông Chung cũng đề nghị tôi vận động, khuyên nhủ bà con cho anh em (những người đang bị dân giữ ở Nhà văn hóa thôn Hoành - PV) ra về, không để những đối tượng xấu lợi dụng. Ông ấy nói: “Các cụ đã thấy cái sai rồi, cần gì chờ tôi về thì mới bàn giao. Các cụ mỗi người cố gắng một tí để thuyết phục đến tối thả hết người là tốt nhất. Nếu để kéo dài từ không có tội sẽ thành có”. Ý kiến cá nhân của tôi là ủng hộ đề nghị này của Chủ tịch UBND TP nhưng việc này còn cần sự đồng thuận của bà con nữa” - ông Hiểu nói.

Cũng theo ông Hiểu, đối với các kiến nghị về hạ tầng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay TP Hà Nội sẽ chi 1 tỉ đồng để làm đường trong xã với sự giám sát của người dân. Đồng thời, TP sẽ xem xét đầu tư, sửa sang các công trình khác như trường học, đường sá cho người dân sau khi thực hiện khảo sát…

“Chúng tôi cũng biết giữ người thêm ngày nào thì bị tội nặng ngày đó. Nhưng bà con cũng đang mất niềm tin, thả người thì chúng tôi không biết bấu víu vào đâu. Chẳng ai mong việc như vậy xảy ra” - một người dân giấu tên nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm