Dân vẫn giữ xe cán bộ yêu cầu đối thoại dự án điện mặt trời

Chiều 1-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định), cho hay nhiều người dân thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ vẫn tiếp tục chặn giữ ba ô tô để phản đối dự án điện mặt trời. Sự việc diễn ra bốn ngày nay nhưng huyện chưa thể giải quyết.

Theo chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cuộc đối thoại giữa chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và người dân xã Mỹ Châu về dự án điện mặt trời đã không diễn ra sáng 1-7 như dự kiến. “Lãnh đạo tỉnh không thể đối thoại vì người dân yêu cầu đối thoại ngay giữa đường- nơi ba ô tô đang bị chặn giữ. Điều quan trọng là dự án này chưa triển khai, chưa làm bất cứ điều gì ảnh hưởng đến người dân hay môi trường xung quanh mà chỉ mới là chủ trương”.

Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm, ngày mai (2-7), UBND huyện Phù Mỹ tổ chức cuộc họp với các ban ngành, đoàn thể của huyện, thành lập các đoàn công tác, trực tiếp đến thôn Châu Trúc để củng cố hệ thống chính trị.

Các đoàn công tác này cũng sẽ tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu để giải tán việc tụ tập. “Quan điểm của huyện là giải quyết sự việc một cách mềm mỏng trên tinh thần tuyên truyền, vận động là chính. Bởi nguyên nhân sự việc là do bà con chưa hiểu hoặc hiểu nhầm về dự án, lo lắng về sinh kế lâu dài. Thực tế, người dân chưa có hành động gì quá khích”- ông Dũng nói.

Người dân thôn Châu Trúc chặn giữ ba ô tô bốn ngày nay để phản đối dự án điện mặt trời. Ảnh do người dân cung cấp.

Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho rằng nguyên nhân khiến người dân hiểu nhầm về dự án điện mặt trời là do cấp ủy, chi bộ thôn Châu Trúc nhận thức sai về dự án.

“Chiều 30-6, đoàn công tác của huyện đến làm việc thì nhận thấy cấp ủy chi bộ thôn Châu Trúc nhận thức sai về dự án. Sau đó, đoàn công tác làm việc với người dân thống nhất lập biên bản cam kết trước khi triển khai dự án điện mặt trời này sẽ đối thoại cụ thể từng vấn đề với người dân địa phương. Trong khi anh em đang đi photo biên bản để giao cho người dân thì họ bất ngờ đổi ý. Người dân yêu cầu khi nào đối thoại với lãnh đạo tỉnh thì họ mới cho xe đi”- ông Dũng thông tin.

Trong khi đó, nhiều người dân thôn Châu Trúc cho rằng họ lo lắng việc xây dựng dự án điện mặt trời trên đầm Trà Ổ làm ảnh hưởng lớn đến sinh kế của họ. Người dân khẳng định sẽ không có hành động quá khích mà chỉ giữ xe với mục đích gây áp lực để lãnh đạo tỉnh đối thoại với người dân.

Theo ông Bùi Xuân Bộ, Trưởng thôn Châu Trúc, có đến 90% trong tổng số 342 hộ ở thôn này sống nhờ vào đầm Trà Ổ bằng hoạt động đánh bắt thủy sản. Phần lớn người dân thôn Châu Trúc không có đất sản xuất nông nghiệp hay nghề khác để mưu sinh.

Tương tự thôn Châu Trúc, hàng ngàn hộ dân ở bốn xã xung quanh đầm Trà Ổ cũng đều sống dựa vào nguồn lợi thủy sản trên đầm này. Người dân bức xúc vì không được thông tin về dự án điện mặt trời sẽ xây dựng trên mặt nước đầm Trà Ổ. Khi thấy có đoàn công tác đến thăm dò, khảo sát, người dân mới biết sẽ xây dựng dự án tại đầm này. Ngay sau đó, nhiều người dân tập trung để phản đối.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Dũng, dự kiến dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ chỉ triển khai trên diện tích 60 ha mặt nước đầm Trà Ổ, trong khi đầm này rộng hơn 1.200 ha.

“Nếu triển khai dự án, dự án điện mặt trời trên đầm Trà Ổ không ảnh hưởng gì đến đời sống người dân. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh, huyện là lấy quyền lợi người dân đặt trên hết. Dù làm dự án gì thì cũng phải đảm bảo đời sống của người dân, không để ảnh hưởng đến bất cứ gia đình nào. Làm dự án để phát triển mà khiến người dân mất việc làm thì dứt khoát không làm. Nhưng rất tiếc là người dân chưa hiểu”- chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ nói với PV.

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, sáng 28-6 nhiều người dân thôn Châu Trúc ra đường chặn hai ô tô chở cán bộ huyện Phù Mỹ và một ô tô của đơn vị tư vấn trên đường trở về sau khi đi khảo sát dự án Nhà máy Điện mặt trời đầm Trà Ổ tại địa phương này.

Theo chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, đây là đoàn cán bộ UBND huyện, một số ngành cùng đơn vị tư vấn đi xác định điểm phóng, đấu nối tuyến điện chứ chưa triển khai thực địa. Dự án này vừa được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư hồi đầu tháng 6-2018, cho phép Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam thực hiện trên tổng diện tích khoảng 60 ha mặt nước, 0,6 ha mặt đất. Dự kiến, nhà máy này có công suất thiết kế 50 MWp, tổng mức đầu tư 1.440 tỉ đồng, đi vào hoạt động từ giữa năm 2019.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm