Đăng cai Asiad chứ không phải chơi trốn tìm

Lại cũng có những ý kiến cho rằng phần đội giá quá cao như thế thì có thể xây được nhiều cái cầu, nhiều trường học…

Rõ ràng là chúng ta còn khó khăn nhiều thứ, nhiều mặt thật nhưng việc vận động để giành quyền đăng cai (dù không phải đấu nhiều) rồi sau đó thấy khó lại bàn chuyện bỏ của chạy lấy người và chấp nhận bồi thường thì còn gì là thể diện.

Hơn nữa, đâu phải đề án để thuyết phục chấp thuận cho Bộ VH-TT&DL và Ủy ban Olympic Việt Nam nộp đơn đăng cai khi được trình thì kiểu nào cũng cho qua mà còn phải qua nhiều công đoạn, trong đó có những phản biện.

Bây giờ rõ ràng là qua phiên chất vấn thì chính Bộ VH-TT&DL cũng thấy rất rối vì có nhiều hạng mục, nhiều vấn đề chưa được trả lời thỏa đáng, đặc biệt qua các con số. Những câu hỏi được đặt ra là liệu có khả thi không khi SEA Games 23 theo thống kê của Bộ Tài chính, Việt Nam tiêu tốn hơn 3.200 tỉ đồng cho một đại hội chỉ 11 quốc gia tham dự trong khi Asiad là cả châu Á với hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự lại chỉ 150 triệu USD?

Cá nhân tôi không tin rằng vì tốn kém quá hoặc vì nghèo quá mà chủ nhà Asiad 18-2019 sẽ rút lui bởi đó là điều tệ hại khủng khiếp về nhiều mặt. Điều quan trọng là sẽ phải ngồi tính toán lại như thế nào để không “gồng” lên cho bằng anh bằng chị rồi sau đó “ôm” nhiều nỗi đau hậu Asiad. Cũng không thể tổ chức một Asiad mà tầm chỉ như SEA Games (Đại hội thể thao Đông Nam Á).

Chắc chắn sẽ phải điều chỉnh để hợp lý và thậm chí nếu khó khăn quá hoàn toàn có thể yêu cầu Ủy ban Olympic châu Á bỏ bớt đi một số môn, một số hạng mục không khả thi với tình hình kinh tế lẫn sử dụng và tập luyện sau này của chủ nhà.

Nếu có trách thì nên trách vì sao dễ dàng để nhận quyền đăng cai với một đề án quá rẻ và khó khả thi thay cho việc leo lên lưng cọp rồi giờ lại kháo nhau leo xuống.

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm