Đánh trúng đầu nậu để đủ sức răn đe

Đó là những yêu cầu của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389), tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết sáu tháng đầu năm công tác này được tổ chức sáng 20-7.

Xử lý nghiêm cán bộ bảo kê

Báo cáo của BCĐ 389 cho biết thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu rất tinh vi, chúng thường lợi dụng địa hình đường biên giới kéo dài, nhiều khu vực xa xôi, hẻo lánh để tổ chức tập kết hàng hóa tại các điểm giáp ranh biên giới. Sau đó tìm thời cơ thuận lợi chia nhỏ, vận chuyển lén lút qua các đường mòn, lối mở, kênh rạch, sông suối biên giới vào nội địa.

Đáng chú ý, tại tuyến cửa khẩu cảng biển, cảng sông quốc tế, buôn lậu xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp, trọng điểm là vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa... Đối tượng đầu nậu trong nước câu kết với các đối tượng nước ngoài sử dụng tàu thuyền không treo cờ quốc tịch hoặc tàu cá đã hoán cải các khoang, hầm, téc bí mật để chứa xăng dầu lậu mua của tàu nước ngoài tại các vùng biển giáp ranh. Sau đó bán trực tiếp cho các tàu cá của ngư dân đánh bắt xa bờ hoặc vận chuyển nội địa tiêu thụ. Tinh vi hơn, đầu nậu trong nước lập nhiều pháp nhân kinh doanh xăng dầu ở các địa phương, lợi dụng việc mua bán, vận chuyển giữa các công ty để hợp pháp hóa số hàng lậu mua từ nước ngoài.

Trong nội địa, cơ quan chức năng còn phát hiện tình trạng cơ sở trong nước mua các loại nguyên liệu, phụ liệu giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu. Sau đó tổ chức sản xuất, đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công…

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: TTXVN

Rà soát các vụ việc nổi cộm

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác điều tra ban đầu, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ án buôn lậu, gian lận thương mại. “Cần xác lập các chuyên án trinh sát, làm rõ các tổ chức tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, đánh đúng, đánh trúng đầu nậu để đủ sức răn đe đối tượng vi phạm” - Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, chủ động rà soát các vụ việc nổi cộm, được dư luận chú ý nhưng chỉ xử phạt hành chính để xem xét lại, nếu thấy dấu hiệu tội phạm thì chuyển sang cơ quan công an để điều tra, xử lý nghiêm. Kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang bị cho các lực lượng chuyên trách chống buôn lậu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, cũng như xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ vi phạm.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm, kiểm tra công vụ, thực hiện dân chủ, công khai trong công tác cán bộ, nhất là trong khâu bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật… Có quy định cụ thể về điều chuyển, thay thế những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có biểu hiện bao che, dung túng, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

7.900tỉ đồng là tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu trong sáu tháng đầu năm, theo báo cáo của BCĐ 389. Báo cáo cũng cho biết lực lượng chức năng phát hiện hơn 88.00 vụ việc vi phạm; khởi tố hơn 1.100 vụ với 1.372 đối tượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm