Đâu phải ‘đa kim ngân’ là ‘phá luật lệ’!

Tháng 8-2013, tiến hành xây dựng khách sạn có quy mô 25 tầng tại Nghệ An khi chưa hoàn thành các thủ tục về đất và chưa có giấy phép xây dựng. Đầu năm 2014, xây dựng hai khối nhà 19 tầng và hai tầng dính liền nhau cho một tổ hợp khách sạn tại Cần Thơ khi không có giấy phép. Tháng 3-2014, làm “chui” hai tầng hầm và diện tích sàn tầng một cho một dự án khách sạn bốn sao tại quận 1, TP.HCM. Gần đây nhất, tháng 7-2014, tự ý xây khách sạn tám tầng tại Phan Thiết, Bình Thuận (cao hơn bốn tầng so với giấy phép được cấp).

Không chỉ về quy mô vi phạm, tập đoàn này còn gây sốc cho dư luận khi cứ bất chấp để tiếp tục thi công mặc cho chính quyền địa phương nhiều lần tới lập biên bản, yêu cầu đình chỉ thi công, đồng thời cắt điện và nước của công trình.

“Phân bua” với báo Tuổi Trẻ(ngày 9-9), đại diện tập đoàn nói “muốn xây nhanh để nhanh chóng hoạt động, nhanh có lợi nhuận, tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương…”. Chắc chắn không ai chấp nhận được các lý do này và phải chăng chính cách hành xử thiếu kiên quyết, thậm chí là không đúng pháp luật của nhiều nơi mà Mường Thanh mới “lộng hành” cỡ vậy?

Tại các nghị định 180/2007 và 121/2013, Chính phủ đều giao nhiệm vụ cụ thể cho chủ tịch UBND từng cấp trong việc quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. Hễ phát hiện có hành vi vi phạm xây dựng là phải lập biên bản ngừng thi công/đình chỉ thi công, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ/cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm. Từ các quy định này mà với số đông người dân chỉ cần làm sai một ít so với giấy phép chứ đừng nói đến việc xây không phép là có thể bị các lực lượng “ốp” ngay. Vậy tại sao Mường Thanh không bị chế tài cứng rắn như thế? Chẳng lẽ vì quá muốn có một khách sạn năm sao nên Cần Thơ đã “nhắm mắt” du di và tới đây là chấp nhận cho Mường Thanh đặt địa phương vào việc đã rồi? Hay như ở Bình Thuận, phải lý giải sao khi chính quyền không yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ ngay từ đầu và nếu cần là tổ chức cưỡng chế để công trình không bị “sa lầy” với bốn tầng vi phạm? Giờ khi muốn “tha” cho công trình, chưa tính đến căn cứ pháp lý thì liệu cơ quan chức năng tỉnh này có thể đảm bảo công trình tuyệt đối an toàn, bởi phần vi phạm có thể nằm ngoài giới hạn an toàn tính toán?

Theo thông tin mới nhất thì TP.HCM đã buộc được Mường Thanh phải lần lượt tháo dỡ phần diện tích sai phạm. Phía Bộ Xây dựng thì đang xem xét, chỉnh sửa Nghị định 121/2013 theo hướng xóa bỏ việc cho nộp tiền “chuộc” công trình sai phép, không phép xảy ra sau này để việc xử lý vi phạm được nghiêm khắc hơn. Khi các diện tích vi phạm của Mường Thanh thuộc diện phải phá dỡ và không hề thuộc diện được nộp tiền “chuộc” để tồn tại thì Bình Thuận, Cần Thơ… có nên làm khác hơn? Nếu tiếp tục để thế, việc này có thể sẽ làm giảm sút nghiêm trọng hiệu lực quản lý của chính quyền và khó tránh khỏi việc tạo ra mối ngờ “đa kim ngân phá luật lệ” trong dư luận và hậu quả là pháp luật bị khinh nhờn.

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm