Đau tim vì vé tàu tết

Năm nay, ngành đường sắt đã cải tiến mạnh mẽ việc bán vé tàu tết. Tuy việc đặt vé qua mạng dễ dàng hơn những năm trước song để có được tấm vé trong tay, hàng ngàn người vẫn phải chầu chực chờ đợi hay đi tới đi lui nhiều lần. Đó là chưa kể hàng chục ngàn người khác phải ra về trong thất vọng. Pháp Luật TP.HCM xin chỉ ra một số tồn tại trong việc bán vé tàu thông qua các tình huống dưới đây.

Thiếu hướng dẫn, giải quyết cứng nhắc

Sáng 3-12, sinh viên Trịnh Thị Hiền (Gò Vấp, TP.HCM) đặt chỗ mua vé tàu về Vinh trong dịp tết thành công. Để chắc ăn, ngay lập tức Hiền chạy đến ga Sài Gòn lấy vé thì nhân viên yêu cầu cô phải ra bưu điện hoặc Ngân hàng VIB để trả tiền rồi mới quay lại nhà ga. Ấm ức trước sự cứng nhắc này, Hiền phải làm theo nhưng khi cầm hóa đơn thanh toán quay lại thì nhà ga nói: “Ba ngày sau trở lại lấy vé”.

Sáng 6-12, Hiền trở lại ga Sài Gòn và tiếp tục… ấm ức khi được yêu cầu phải nhắn tin lấy số thứ tự nhận vé. Tin nhắn trả lời cho hay phải tới ngày 8-12 cô mới có thể nhận vé. Một người bạn của Hiền, đã đặt chỗ thành công vé tàu tết về Phú Yên và thanh toán xong tiền vé, cũng phải tới lui nhà ga ba lần như trên mà chưa có được tấm vé. “Họ hướng dẫn không đầy đủ, rõ ràng khiến em và nhiều người khác phải chạy tới chạy lui. Đâu phải ai cũng rảnh để đến nhà ga hoài được đâu. Bức xúc quá em muốn ghi ý kiến góp ý cho nhà ga nhưng tìm hoài không biết phải ghi ở đâu” - Hiền phản ánh với PV.

Mang ấm ức kể với bạn bè, Hiền được “mách nước” lấy một địa chỉ của người quen ở quận 10 (trong bán kính 7 km quanh nhà ga) rồi gọi điện thoại yêu cầu được giao vé tận nơi. Và trong ngày 7-12, Hiền đã nhận được vé tàu giao miễn phí tận nhà. “Em đến ga ba lần, gặp nhiều nhân viên nhưng họ nói chuyện gắt gỏng, không giải thích đầy đủ. Nếu họ cặn kẽ hơn một chút, em tin chắc rằng hàng ngàn người không phải khổ như vậy đâu” - Hiền đề nghị.

Ông Đặng Minh Thới và bạn (có tên trong tin nhắn điện thoại) từ Bình Dương đến nhà ga từ 3 giờ sáng lấy số thứ tự, vật vờ chờ quá buổi sáng mới biết được “hết vé”. Ảnh: MP

Hành khách ken đặc ở khu vực bán vé tàu tết, ôm điện thoại ngó số thứ tự chờ hàng giờ rồi ra về trong ấm ức do số vé không được thông tin đầy đủ, rõ ràng, kịp lúc cho họ. Ảnh: MP

Mất oan vé mua qua mạng

Ông Văn Kinh Luân (quê Bình Định) kể: “Sáng 1-12, tôi vào trang web www.dsvn.vn đặt thành công bốn vé từ TP.HCM đi Quy Nhơn trước tết và bốn vé về lại TP.HCM sau tết. Tôi in ngay phiếu, chạy vội đến Ngân hàng VIB trả tiền mua vé. Cô nhân viên ngân hàng sau một lúc loay hoay thao tác bèn thông báo: “Lỗi hệ thống, không nhận tiền được”.

Tôi gọi đến tổng đài thắc mắc thì họ nói chỗ đó bị mất do lỗi hệ thống, tôi phải đặt lại chỗ khác. Tôi vào mạng cố đặt chỗ khác nhưng không được nên sáng 4-12 quay lại ga Sài Gòn để hỏi thăm. Thật bất ngờ, lúc này nhân viên nhà ga lại nói do tôi chậm trả tiền mua vé (sau 48 giờ đặt chỗ thành công) nên chỗ đặt trước đó vừa bị thu lại. Tôi có giải thích thế nào đi nữa họ vẫn không chịu và ghi tên tôi vào “hàng đợi”, nói sẽ thông báo cụ thể sau 4-5 ngày.

Không thể chờ, sáng 6-12 tôi và một người bạn đến ga từ sớm và đợi đến 6 giờ thì nhắn tin ngay để mua vé trực tiếp. Chúng tôi cùng mua vé về Quy Nhơn, nhắn cách nhau chưa đầy một phút nhưng tôi được số 20, còn bạn tôi số... 490. Tôi may mắn không chờ lâu nhưng khi gặp được nhân viên bán vé họ lại thông báo: “Hết vé”. Nếu vé đã hết vậy thì “hàng đợi” sau đó vài ngày làm sao còn? Rõ ràng giải thích của ga Sài Gòn chỉ để đối phó!”.

Có hàng trăm người bị mất oan quyền mua vé như ông Luân và chỉ khoảng 200 người được bù chỗ khác. Riêng ông Luân và nhiều người khác khi khiếu nại thì nhà ga yêu cầu phải chứng minh lý do chậm thanh toán. “Lẽ ra khi hệ thống bán vé có lỗi, ngoài việc khắc phục họ cần thông báo ngay cho khách (qua email, điện thoại đặt chỗ) để chúng tôi còn kịp xoay xở. Họ khuyến cáo không nên đến ga để tránh quá tải nhưng khi tôi điện thoại hỏi thì họ chỉ giải thích rất qua loa, khi khách khiếu nại thì lại đòi khách phải chứng minh này nọ. Thật không hiểu nổi!” - ông Luân bực dọc.

Hết vé không báo, để mặc khách nhắn tin

Từ 3 giờ sáng 6-12, ông Đặng Minh Thới cùng một người bạn từ Bình Dương đã có mặt ở ga Sài Gòn với hy vọng mua trực tiếp được một vé đi Nghệ An, một vé đi Thanh Hóa vào ngày 25 tháng Chạp. Đến nơi, cả hai được biết tới 6 giờ tổng đài mới bắt đầu nhận tin nhắn đặt mua vé nên ngồi chờ ngay trước cổng ga. Dù soạn sẵn tin nhắn, đúng 6 giờ là bấm gửi đi song số thứ tự của hai người đều trên 300. Biết phải đợi lâu nhưng không biết đi đâu, cả hai quyết định ở lại ga chờ.

Hai người vật vờ chờ đến gần 10 giờ thì con số giải quyết mới chỉ là 107. Đến gần 12 giờ, con số trên bảng thông báo chỉ là 160. Ông Thới vẫn quyết định kiên nhẫn chờ nhưng bất ngờ chỉ vài phút sau bảng điện tử nhà ga chạy chữ thông báo “Hết vé”. Thất vọng, ông Thới và bạn quay về.

Chỉ trong buổi sáng ngày đầu bán vé qua tin nhắn (cùng với việc bán vé qua mạng), hàng ngàn người cùng rơi vào cảnh: Nhắn tin, chen lấn, vật vã chờ đợi nhiều giờ rồi quay về vì hết vé. Ga Sài Gòn cho hay mỗi ngày cấp 1.200 số thứ tự. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, chưa hết buổi sáng 6-12 số thứ tự đã là D6230, có nghĩa đến thời điểm này đã có 6.230 tin nhắn (mỗi tin 3.000 đồng) “đổ” vào tổng đài.

“Vì sao vé đã hết nhưng tổng đài vẫn “rộng mở” nhận tin nhắn, thu tiền, gửi số thứ tự? Vì sao họ không báo đã hết vé để mọi người không phải bỏ việc mỏi mòn chờ đợi vô ích? Nếu ga Sài Gòn sớm công khai số vé còn, ở chặng nào, đi ngày nào, tôi và nhiều người sẽ không phải chờ đợi hàng giờ rồi về tay không” - ông Thới bày tỏ.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm