Đầu tư 193.000 tỉ đồng ngân sách cho nông thôn mới

Theo đó, từ 16 chương trình trước đây, các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 chỉ còn hai chương trình: Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và chương trình giảm nghèo bền vững.

Trong đó, chương trình NTM đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn NTM. Tổng ngân sách nhà nước (NSNN) bỏ ra cho chương trình này tối thiểu là 193.000 tỉ đồng (giai đoạn trước chỉ 170.000 tỉ đồng), trong đó ngân sách trung ương 63.155,6 tỉ đồng, ngân sách địa phương 130.000 tỉ đồng.

Theo nghị quyết, nguyên tắc phân bổ NSNN là ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã nghèo thuộc các huyện nghèo. Các xã nghèo thuộc huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng như các huyện nghèo. Chú trọng đầu tư cho các xã chưa hoàn thành các công trình hạ tầng cơ bản (giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, thủy lợi),…

QH giao Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định; các địa phương phải có trách nhiệm bố trí đủ vốn ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật để thực hiện chương trình. Cùng đó, Chính phủ rà soát, phân kỳ đầu tư, ưu tiên tập trung đầu tư, tránh dàn trải, nợ đọng, bảo đảm đúng quy định của Luật Đầu tư công, huy động đủ các nguồn lực để thực hiện. Rà soát và điều chỉnh hệ thống tiêu chí xã NTM, phù hợp với tình hình thực tiễn, từng vùng miền, bảo đảm tập trung, không trùng lặp về chính sách để phân bổ và sử dụng nguồn lực có hiệu quả. Áp dụng cơ chế đặc thù rút gọn đối với một số dự án đầu tư có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư một phần kinh phí, phần còn lại do nhân dân đóng góp, có sự tham gia giám sát của nhân dân.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng thời gian qua chương trình NTM đã xảy ra một số hạn chế. Tuy đây là chương trình ý nghĩa nhưng thực tế nhiều địa phương xây dựng lãng phí, không tương xứng. Do vậy lần này QH đã xem xét và rút 16 chương trình mục tiêu quốc gia còn hai chương trình. “Mức độ huy động vốn và vốn đầu tư đã có sự trùng lắp, thậm chí lãng phí, các chương trình mục tiêu quốc gia đều liên quan đến nông thôn. Trong đó, NTM có nhiều tiêu chí như sản xuất, hạ tầng kinh tế-xã hội và buộc phải đầu tư nhưng lại có chồng chéo, cùng một nội dung nhưng nhiều nguồn đầu tư vào đó” - ông Vở nêu thực tế.

Đặc biệt, ông Vở nhấn mạnh đến việc nhiều công trình theo tiêu chí NTM rất hoang phí như xây dựng nhà văn hóa. Hiện nay các nhà văn hóa của huyện hoạt động không hiệu quả nhưng ở xã lại yêu cầu có nhà văn hóa. “Đây là công trình đầu tư nhiều tiền, mức độ đầu tư chưa đến mức cần thiết lắm, trong khi cốt lõi của NTM là hạ tầng kinh tế để phát triển nông thôn theo kinh tế” - đại biểu đến từ Đồng Nai dẫn chứng.

Trong thời gian tới, ông Vở đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương rà soát các dự án để tránh chồng chéo, lãng phí các dự án thành phần. Rút gọn thủ tục đầu tư các hạng mục như đường giao thông, trường học, cơ sở y tế theo thiết kế mẫu. Nghĩa là các địa phương sẽ xây dựng các công trình này theo mẫu chung, điều này bỏ qua được giai đoạn lập dự án, phê duyệt thiết kế, phí dự phòng,… Bên cạnh đó, ngân sách đầu tư của chương trình nên giao thẩm quyền trách nhiệm cho địa phương, không nên để bộ, ngành phân bổ ngân sách như trước đây bởi sẽ dẫn đến tình trạng nhiều bộ phân bổ vào một thành phần, hạng mục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm