Đẩy lùi COVID-19 là động lực để Hà Nội phục hồi kinh tế

Sáng 6-7, kỳ họp 15, HĐND TP Hà Nội khoá XV đã khai mạc và dự kiến bế mạc vào chiều 7-7.
Đến dự phiên khai mạc có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Đẩy lùi COVID-19 là động lực để Hà Nội phục hồi kinh tế ảnh 1
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ.

Bước đầu đẩy lùi dịch bệnh
Phát biểu tại phiên khai mạc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết do tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới và trong nước rơi vào suy thoái, Hà Nội cũng là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề.
Thời gian qua thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, quán triệt tinh thần chỉ đạo của các cấp, TP Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt với sự ủng hộ của người dân doanh nghiệp và đã thực hiện có kết quả “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
“Tất cả 118 ca nhiễm COVID-19 tại TP Hà Nội đều đã khỏi bệnh, không có người tử vong. Đến nay sau hơn hai tháng, TP không phát sinh ca nhiễm mới ngoài cộng đồng” - ông Vương Đình Huệ nói.
Đồng thời ông Huệ cho biết thành tích đẩy lùi dịch bệnh này được dư luận thế giới, kể cả những nước phát triển ngưỡng mộ, đánh giá cao, coi "Việt Nam là hình mẫu trong ứng phó hiệu quả với dịch bệnh”.

Nhân diễn đàn của HĐND TP, thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, Bí thư Vương Đình Huệ đã gửi lời cảm ơn đến các cấp các ngành, sự vào cuộc của hệ thống chính trị TP, sự ủng hộ của người dân. Đặc biệt là đội ngũ các thầy thuốc và các lực lượng chức năng đã không ngại vất vả cứu sống mạng sống con người.

“Việc chiến thắng được dịch bệnh COVID có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo cho TP Hà Nội thêm động lực, niềm tin và thêm điều kiện thuận lợi để Hà Nội đẩy nhanh quá trình hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội” - Bí thư Hà Nội nói.
Hai kịch bản tăng trưởng
Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng cho hay diễn biến của dịch COVID-19 đã khiến kinh tế Thủ đô giảm sâu trong tháng 4, phục hồi trở lại giữa tháng 5 và tăng trưởng khá mạnh vào tháng 6.
“Tổng sản phẩm trên địa bàn sáu tháng đầu năm tăng 3,39%. Đây là mức tăng trưởng cao hơn khá nhiều so bình quân chung của cả nước (chỉ đạt 1,81%) và trong điều kiện tăng trưởng chung toàn cầu năm 2020 dự báo âm 4,9% theo dự báo mới nhất của IMF” - ông Huệ nói.
Thời gian qua TP Hà Nội đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - hợp tác và phát triển” để mời gọi đầu tư, nhằm đẩy mạnh tốc độ hồi phục kinh tế. Tại hội nghị TP đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án với tổng vốn đầu tư 405.570 tỉ đồng (tương đương 17,6 tỉ USD), ký 38 biên bản ghi nhớ hợp tác với tổng giá trị 28,6 tỉ USD.
“Với quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, TP Hà Nội không điều chỉnh các chỉ tiêu năm 2020. Nghị quyết đã quyết định nhưng TP cũng đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng sáu tháng cuối năm và cả năm 2020 để chỉ đạo, điều hành.
Trong đó kịch bản 1: Tăng trưởng Quý III đạt 7,8%, Quý IV đạt 8,4% và dự báo cả năm đạt 5,9%. Kịch bản 2: Tăng trưởng Quý III đạt 6,9%, Quý IV đạt 7,4% và dự báo cả năm đạt 5,4%” - Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Bí thư thành ủy Hà Nội đề nghị cần tận dụng các nguồn lực với phương châm “góp gió thành bão” để phấn đấu GRDP tăng gấp 1,3 lần so với cả nước và hoàn thành nhiệm vụ thu 285.000 tỉ đồng dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND TP Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ cũng chỉ ra “tám thiếu sót, hạn chế” cần phải khắc phục. Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng còn thấp; Số lao động được giải quyết việc làm giảm, thất nghiệp tăng; Chỉ số giá tiềm ẩn tăng cao ở nhóm hàng thực phẩm…
Ông đề nghị cần tận dụng các nguồn lực để phát triển kinh tế; làm rõ các hạn chế, nguyên nhân để có giải pháp đột phá trong 6 tháng cuối năm.
“Đề nghị HĐND phân tích kỹ, làm rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý, xác định các nội dung cụ thể và phương thức thực hiện khả thi để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, góp phần phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Thủ đô” - Bí thư Hà Nội nói.
Ông Huệ cũng yêu cầu “tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu”; rút gọn và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý;
Tiếp tục giám sát việc thực hiện nghiêm túc bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao ý thức tự giác, tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ; tăng cường giám sát công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới gắn với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp nước sạch, xử lý chất rác thải sinh hoạt…. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm