ĐB Dương Trung Quốc nói về dự Luật Đặc khu

Đó là chia sẻ của đại biểu Dương Trung Quốc bên hành lang Quốc hội liên quan đến dự thảo về đặc khu.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trả lời báo chí về đặc khu bên hành lang Quốc hội. Ảnh: VIẾT LONG

Phóng viên: Ông nhận định như thế nào về dự Luật Đặc khu?

+ Đại biểu Dương Trung Quốc: Tôi thấy cái lạ là có đại biểu nói thử nghiệm. Nhưng sao thử nghiệm chuyện này được? Vấn đề chủ quyền không xử lý được như tôi đã nói ở trên.

Tôi tán thành với Thủ tướng trước phát biểu vấn đề không phải 99 năm, vậy việc gì chúng ta đưa 99 năm? Cái 99 năm dễ đánh vào tâm thức mọi người bởi nó là cái gì lâu dài, vĩnh cửu.

Nếu một doanh nghiệp tốt, lành mạnh, muốn gắn bó và mang lại cái có lợi cho cả hai bên thì chúng ta kéo dài 1.000 năm. Vì vậy việc gì chúng ta phải đưa cái đó vào, nó chẳng khác gì sự cầm cố. Bên cạnh đó, với công nghệ cao họ cần gì đất lâu dài vì họ phải thay đổi, chuyển biến liên tục.

Sự lo lắng của người dân là có cơ sở. Ta thấy Vân Đồn là cửa ngõ biển Đông, giờ đặt lại vấn đề lịch sử, những trận chiến quan trọng nhất đánh giặc Nguyên Mông là ở Vân Đồn, chúng ta sao không nghĩ việc này.

. Vậy ông nghĩ việc thành lập đặc khu có cần thiết?

+ Tôi nghĩ đặc khu là cần thiết, thậm chí ta làm hơi chậm nhưng khi đưa ra mô hình phải phù hợp với xu hướng thời đại, đặc trưng riêng của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói thiên hạ cũng cho thuê 99 năm nhưng họ ở tít ngoài đại dương, còn chúng ta ở đâu? Chúng ta ở ngay cửa ngõ biển Đông. Như vậy, chúng ta phải nhìn địa chính trị quan trọng nhất trong thời đại bây giờ đó là phát triển gắn liền với ổn định chủ quyền.

Tôi thấy bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định không ai phát hiện được hiện tượng việc mua bán đất ở nước ngoài. Đúng là không ai đăng ký mua đất được nhưng có những người Việt Nam sẵn sàng vì lợi ích nhỏ, đứng ra mua đất cho người nước ngoài.

Tôi đề nghị các đại biểu ở khu vực có hiện tượng như vậy phát biểu ý kiến đi. Tôi vào Đà Nẵng, nhiều người nói có hiện tượng đấy. Đó là chưa nói đến việc chúng ta cho người nước ngoài thuê đất với thời gian dài, ưu đãi lớn. Như vậy, câu hỏi đặt ra là chúng ta có được can thiệp vào chủ quyền không? Bởi vì chúng ta không dễ bước chân vào không gian của doanh nghiệp trong đó, họ có luật lệ của họ mà mình phải tôn trọng.

Khi nói đến Việt Nam là người ta nói về thuận lợi trong kinh doanh, chứ ai đến Việt Nam để “ăn đời ở kiếp”.

Điều tôi lo lắng là Chính phủ nói kiểm soát được vấn đề đất khu vực đặc khu nhưng bây giờ các mảnh đất Vân Đồn, Phú Quốc có chủ rồi. Như vậy nhà đầu tư mới phải mặc cả với ông bất động sản, đó là rào cản lớn nhất chứ không phải 99 năm, 70 năm.

. Vậy nếu làm đặc khu, quan điểm ông như thế nào?

+ Cá nhân tôi cho rằng, nếu làm cần làm từng cái một, đã chậm rồi thì chậm nhưng chắc. Trong đó phải ưu tiên đến chủ quyền quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng không có chữ nào là Trung Quốc liên quan đến dự thảo đặc khu nhưng các bạn thấy khách du lịch Trung Quốc rồi đấy nên chúng ta phải có nỗi lo.

Chúng ta có nhiều lợi thế mà không phát huy nên tôi cho rằng chúng ta làm thật kỹ, không làm ào ạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm