ĐBQH đau đáu trước bức tranh giáo dục nước nhà

Ngày 21-5, tại buổi thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi), ngoài những ý kiến cụ thể về các điều luật, Quốc hội còn được nghe các đại biểu (ĐB) bày tỏ sự lo lắng, đánh giá về thực trạng giáo dục hiện nay.

40% tốt nghiệp là… thường

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đề nghị phải làm rõ phương pháp, nhận thức về giáo dục khi đổi mới giáo dục và sửa luật. Bởi cha ông ta ngày xưa dạy con, cho con đi học thì chọn thầy hay chữ, thầy nghiêm khắc. “Thế hệ chúng ta, đa số các đồng chí ngồi đây thời phổ thông đi học ở lại lớp, lưu ban là chuyện bình thường, có bạn lưu ban 2-3 năm, có lớp/trường tốt nghiệp cấp II, cấp III tỉ lệ thấp là chuyện bình thường. Trường tôi năm 1977 chỉ có 40% đỗ tốt nghiệp và nhiều trường cũng chỉ 60%, 70%, cao là 80% đỗ tốt nghiệp, mọi chuyện vẫn bình thường” - ĐB Phương nói.

Nhìn vào hiện tại, ĐB Phương nói bây giờ cái gì cũng sợ: “Sợ đánh giá bằng điểm, các cháu điểm thấp thì các cháu buồn. Rồi đổi mới bằng việc là đánh giá không cần dùng điểm, cho các cháu lưu ban thì sợ các cháu tổn thương, cho các cháu không tốt nghiệp được thì cũng sợ các cháu tổn thương. Thầy cô bây giờ không dám động gì, không nghiêm khắc với học sinh, sợ xã hội”. ĐB Phương đã thốt lên rằng: “Nếu cứ tiếp tục tình trạng kéo dài thế này thì không biết tương lai con em chúng ta sẽ như thế nào”.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Thân không tu, gia không tề, trăm bề đổ giáo dục

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng đồng quan điểm và nhấn mạnh tới quy định về trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ của học sinh để giải tỏa bớt áp lực lên nhà trường, cùng với nhà trường chịu trách nhiệm về kết quả học tập của con em mình. “Dường như ai cũng có thể nhận thấy khi những tiêu cực trong thi cử ở một số nơi bị phát hiện, điều tra, xử lý đã đặt giáo dục vào tâm điểm của dư luận suốt thời gian dài và chưa dừng lại” - ĐB Nhân nêu.

Lý giải nguyên nhân, ĐB Nhân cho rằng gốc rễ của vấn đề là “sai của người lớn, từ trong gia đình đến xã hội. Trách nhiệm của gia đình trong việc để con em mình hoàn thành chương trình giáo dục đôi khi lại theo cách phi giáo dục. ĐB Nhân dẫn chứng: “Nhiều gia đình vẫn khoán trắng trách nhiệm giáo dục cho nhà trường trong khi chưa chú trọng việc tu thân, tề gia, xây dựng và giữ gìn nền nếp cư xử giữa các thành viên. Do đó sẽ rất bất công nếu đổ hết trách nhiệm cho nhà trường, cho ngành giáo dục”.

Cuối cùng, ĐB Nhân đặt vấn đề: “Vì sao ngày càng nhiều gia đình văn hóa nhưng những hành vi lệch chuẩn, phi giáo dục lại có thể có cơ hội bén rễ trong đời sống? Bệ đỡ từ gia đình và xã hội chưa thể hiện hết trách nhiệm thì một mình nhà trường không đủ sức gồng gánh cho sự nghiệp GD&ĐT”.

Bộ trưởng và nỗi lo… loạn sách

Một trong những vấn đề được nhiều ĐB đề cập là thẩm quyền của bộ trưởng được luật quy định khá nhiều, điển hình là vấn đề liên quan đến sách giáo khoa (SGK). ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nói SGK đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm từ việc quy định một chương trình nhiều bộ SGK, việc thực nghiệm SGK đến việc độc quyền in, xuất bản, phát hành, tăng giá… ĐB Tạo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình. “Những quy định như việc xuất bản SGK phải tuân theo quy định của pháp luật, cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK theo quy định của bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhưng quy định này là quy định gì thì không rõ” - ĐB Tạo nói và lưu ý những hạn chế của dự thảo luật có thể dẫn đến những trường hợp loạn SGK, mỗi trường một kiểu, mạnh ai nấy làm, học một đường thi một nẻo…

ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề cập đến Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK. ĐB Tuấn phân tích: “Hội đồng này thuộc thẩm quyền của bộ trưởng thành lập. Người phê duyệt SGK sau khi hội đồng thẩm định thông qua cũng chính là bộ trưởng. Tôi cho như vậy không logic”. Từ đó, ĐB Tuấn đề nghị vấn đề này phải thuộc Chính phủ. “Nếu giao hết bộ trưởng thì có gì đó không khách quan trong vấn đề lớn này” - ĐB Tuấn nói.

80% và 20% là tỉ lệ chương trình phổ thông thống nhất cả nước và chương trình do địa phương bổ sung.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, Luật Giáo dục quy định bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về chương trình phổ thông và SGK phổ thông. Trong chương trình sắp tới, 80% là chương trình thống nhất của cả nước và 20% để địa phương bổ sung tính đặc thù. Ngay chương trình 20% này cũng phải được bộ trưởng thông qua. Như thế các em có thể học theo một bộ SGK chuẩn của Bộ, cũng có thể học bằng nhiều cách, nhiều sách khác. 

Cần chuẩn nhưng không độc quyền soạn, in sách giáo khoa

ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đồng ý với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về SGK. “Chúng ta sẽ có một chương trình thống nhất do bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định, trên cơ sở đó thì sẽ ban hành chuẩn SGK. UBND cấp tỉnh lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn” - ĐB Giang nói.

ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cũng đồng tình mỗi môn học có một và một số SGK và quy định giao bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về SGK giáo dục phổ thông để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. “Việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông trong báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết nhằm tránh độc quyền trong việc biên soạn, phát hành SGK” - ĐB Trang nói.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói: “Tôi cảm thấy thú vị về vấn đề một/một số SGK nên tôi đề nghị làm sao để cho điều này phải được thể hiện trong luật. Từ đó mới giảm bớt sức nóng của dư luận xã hội những ngày qua. Tôi đề nghị tại Điều 32 về SGK giáo dục phổ thông, khoản 1 mục b nên viết lại như sau: “Mỗi môn học có một hoặc một số SGK và sách tham khảo dựa trên chương trình giáo dục phổ thông đã được bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt”. Nếu viết như thế mọi người sẽ hiểu”.

Nhà nước phải lo cho tiểu học

Tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐB, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nói: “Chúng ta nhấn mạnh rất rõ là giáo dục bắt buộc. Điều này chỉ được nhắc đến trong hiến pháp và lần này trong luật này đặt ra giáo dục bắt buộc. Như vậy, cả đất nước chúng ta phải lo được cho các em tiểu học. Đến nay, ngay giáo dục tiểu học chúng ta gọi là phổ cập, đôi khi chưa rõ. Ta nói rõ luôn, đối với giáo dục tiểu học bây giờ là bắt buộc. Chúng ta phải làm tốt vấn đề này, đảm bảo được các em trong độ tuổi đi học phải đi học hết và học tốt, phải học theo chuẩn, rộng rãi và cơ bản. Nếu tiểu học không đảm bảo được điều kiện thì Nhà nước phải lo”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm