ĐBQH vạch 3 yếu kém của Thanh tra Chính phủ

Chiều 9-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. Tại đây, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đã giải trình trước Quốc hội về công tác của Thanh tra Chính phủ thời gian qua.

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu

Theo ông Sáu, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2016 giảm hơn so với năm 2015, tuy nhiên lại tăng trong quý I-2017 (tăng 28,3% số lượt người, 23% số đoàn đông người, 72,9% số vụ việc so với cùng kỳ năm 2016), diễn biến phức tạp tại Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam.

Đặc biệt, sau sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, có nhiều đoàn đông người xuất phát từ việc khiếu nại không đạt mục đích chuyển sang tố cáo người giải quyết. Tình trạng công dân khiếu kiện chây ỳ của một số địa phương và các đoàn đông người, có đoàn lên đến hàng trăm người tập trung tại thủ đô.

Nguyên nhân do chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng bất cập; quản lý nhà nước yếu kém; trách nhiệm thủ trưởng cơ quan hành chính, cán bộ công chức làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo chưa nghiêm; Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả còn thấp. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người khiếu nại còn hạn chế nên tỉ lệ khiếu nại, tố cáo sai còn khá nhiều…

Trước phần giải trình của ông Sáu, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội đã giơ biển tranh luận.

Ông nhận định: “Thanh tra Chính phủ hiện nay tính từ kỳ họp thứ hai tôi theo dõi và giám sát tôi thấy thiếu quyết liệt, chậm đổi mới, kém hiệu quả”. Theo đó, ĐB Nhưỡng dẫn chứng 3 vụ việc nổi cộm trong “chương trình giám sát của ông” để chứng minh cho nhân định trên.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội

“Một là vụ Công ty Cổ phần đầu tư Kim khí Hải Phòng kêu cứu từ năm 2015, do thành phố phê duyệt đề án làm bến xe Thượng Lý theo đề án xã hội hóa bến xe Tam Bảo, nhưng sau đó TP lờ đi không thực hiện đề án này. Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần chỉ đạo, trong đó 1 lần lúc đó đồng chí còn làm Phó Thủ tướng. Người ta đã lên tận cơ quan tiếp công dân kêu cứu nhưng hiện nay vẫn chưa được quan tâm giải quyết, cũng không đôn đốc không giải quyết gì. Cho nên doanh nghiệp hiện nay rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn” - ĐB Nhưỡng nói.

Ông nói tiếp: “Thứ 2 là việc tố cáo tham nhũng cổ phần hòa của Tổng Công ty vận tải thủy thuộc Bộ GTVT, người ta lên tận cơ quan tiếp dân gửi đơn đoàng hoàng, người tố cáo là một trong những lãnh đạo của doanh nghiệp của tổng công ty này nhưng các đồng chí không giải quyết, không đôn đốc. Sau khi Văn phòng chính phủ gửi đơn này về Bộ GTVT 5 tháng không giải quyết, người ta tiếp tục gửi đơn lên tôi, tôi tiếp tục gửi đơn cho Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ nhưng cho đến giờ các đồng chí lại tiếp tục gửi đơn về Bộ GTVT. Tôi không biết là các đồng chí ngâm vụ này đến bao giờ”.

Vụ thứ ba ông dẫn chứng vụ việc vừa xảy ra tại Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), “Cảnh sát cơ động vào áp đảo bà con”, sau đó bà con bức xúc vì câu chuyện giải quyết tiếp dân không đến nơi đến chốn và đánh cả Đảng viên 60 năm tuổi đảng. Người dân giữ 38 người. Cuối cùng chủ tịch Hà Nội phải vào đối thoại với dân, sau đó ra quyết định thanh tra, thanh tra toàn bộ đất đai sân bay Miếu Môn.

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh)

“Tôi đã có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ và cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội  về đất sân bay Miếu Môn nhưng tôi chưa thấy Tổng Thanh tra Chính phủ có ý kiến chỉ đạo gì về vấn đề này… Tôi cho rằng những vấn đề này có một trong những nguyên nhân là do hệ thống thanh tra” - ĐB Nhưỡng nhấn mạnh.

Trước ý kiến của ĐB Nhưỡng về vụ Đồng Tâm, ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) tranh luận lại, ông cho rằng ĐB Nhưỡng đưa thông tin  cảnh sát cơ động vào áp đảo bà con là sai sự thật mà thực tế là nhóm cảnh sát đã bị bà con áp đảo lại. "Đề nghị ĐB Nhưỡng rút lại lời nói đó vì hôm nay là buổi truyền hình trực tiếp nói như vậy có thể khiến kẻ xấu kích động, nói lực lượng công an áp đảo".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm