Đề nghị Bộ xây dựng ra quy chuẩn về dùng tro xỉ làm vật liệu

Ngày 27-8, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ông Lương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, vừa ký văn bản gửi Bộ Xây dựng liên quan đến việc giải quyết tình trạng tồn đọng lượng tro xỉ quá lớn tại các nhà máy nhiệt điện than ở Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Bãi tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2

Theo tỉnh Bình Thuận, ngày 12-4-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành có liên quan biên soạn, thẩm định và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế quy định việc xử lý, sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh Bình Thuận có 5 dự án nhà máy nhiệt điện (Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4 và 4 mở rộng) thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân được đầu tư trên địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đến nay, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 1 (tổ máy số 1) đã hoàn thành đi vào hoạt động. Các nhà máy còn lại theo kế hoạch sẽ hoàn thành phát điện thương mại trong năm 2018 - 2019 và các năm kế tiếp theo Quy hoạch sơ đồ điện VII của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Để đảm bảo hoạt động của các nhà máy nêu trên, Bộ Công Thương đã quy hoạch khu vực bãi thải xỉ để đổ tro xỉ sau khi đốt từ các nhà máy tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong với quy mô diện tích khoảng 181,425 ha và cao trình tối đa theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật là 27 m (sau khi lu lèn, đầm nén).

Hiện nay, bãi thải xỉ đã tiếp nhận xỉ tro từ hoạt động sản xuất điện của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và trong thời gian tới khi các nhà máy còn lại đi vào hoạt động, lượng tro xỉ thải ra sẽ lớn hơn rất nhiều (khoảng 3.000 tấn/ngày/nhà máy).

UBND Bình Thuận nhận thấy với lượng tro, xỉ thải ra như hiện nay của các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân và những năm kế tiếp khi các nhà máy khác đi vào vận hành sẽ dẫn đến quá tải tại các bãi chôn lấp. Việc tìm kiếm giải pháp xử lý, sử dụng tro, xỉ từ Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân phù hợp với chủ trương tại của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết và là nhiệm vụ cấp bách hiện nay đối với các Bộ, ngành Trung ương, các chủ đầu tư và tỉnh Bình Thuận.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, Bộ Xây dựng vẫn chưa ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế về việc xử lý, sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng. Việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tồn đọng tro xỉ từ Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và khả năng thu hút các nhà đầu tư tham gia tiêu thụ và sản xuất vật liệu xây dựng không nung có nguồn gốc từ tro xỉ nhiệt điện tại địa phương.

Do đó UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn và hướng dẫn sử dụng tro xỉ để địa phương chủ động thực hiện.

Như chúng tôi đã đưa tin, lượng tro xỉ khổng lồ ở Vĩnh Tân đang là nỗi ám ảnh bởi Bộ Xây dựng vẫn chưa ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san nền, đường giao thông khiến việc sản xuất và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Cạnh đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Mãi Xanh làm chủ đầu tư sản xuất gạch không nung từ tro, xỉ triển khai dự án rất chậm. Hiện công ty chỉ mới lắp ráp hoàn thiện 3/28 dây chuyền sản xuất; đã vận hành hai dây chuyền sản xuất gạch bốn lỗ và gạch con sâu. Tuy nhiên, do hàm lượng carbon trong tro bay không ổn định nên công ty phải tạm ngưng sản xuất gạch bốn lỗ để điều chỉnh lại tỉ lệ cho phù hợp.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương thì việc tiếp tục triển khai lắp đặt các dây chuyền còn lại của Công ty Mãi Xanh khó có khả năng thực hiện theo tiến độ cam kết do Công ty Mãi Xanh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề về giá thành sản phẩm gạch không nung cao nên khó cạnh tranh với gạch nung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm