Đề nghị truy tố ông Thăng, sau 12 ngày điều tra

Ngày 20-12, nguồn tin từ VKSND Tối cao cho biết Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có kết luận điều tra đề nghị VKSND Tối cao truy tố ông Đinh La Thăng và sáu bị can khác bị đề nghị truy tố các tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN.

Kết luận điều tra sau 12 ngày bị khởi tố

Ông Thăng bị đề nghị truy tố tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị can khác bị CQĐT đề nghị truy tố gồm ông Nguyễn Xuân Sơn (nguyên phó tổng giám đốc OceanBank); ông Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Phan Đình Đức (bốn bị can này đều là nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN). Các bị can này cũng đều bị đề nghị truy tố tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Đáng chú ý, bị can Ninh Văn Quỳnh - nguyên phó tổng giám đốc PVN, ngoài bị đề nghị truy tố về tội danh trên còn bị đề nghị truy tố về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Các cá nhân này bị truy tố do liên quan đến việc làm trái các quy định tại nghị định của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã gây thiệt hại 800 tỉ đồng cho PVN tại OceanBank.

Như vậy là sau 12 ngày bị khởi tố và bắt tạm giam, cơ quan CSĐT đã có kết luận điều tra gửi sang VKSND Tối cao để truy tố ông Thăng, điều này khiến dư luận quan tâm và chú ý.

Theo luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), Điều 119 BLTTHS năm 2003 thì thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

Ông Đinh La Thăng bị truy tố ở tội thuộc nhóm đặc biệt nghiêm trọng thì thời hạn điều tra theo luật tối đa là không quá bốn tháng. Tuy nhiên, luật không quy định thời hạn điều tra tối thiểu là bao nhiêu ngày. Do đó, việc sau 12 ngày khởi tố, bắt tạm giam mà cơ quan CSĐT đã có kết luận điều tra là không sai.

LS Trần Hải Đức (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng thời gian điều tra này là không vi phạm quy định trong tố tụng hình sự. “Việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất điều tra và chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao để truy tố ông Đinh La Thăng trong thời gian 12 ngày là một nỗ lực đáng ghi nhận, lập kỷ lục so với các án hình sự khác với mức độ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” - LS Đức nói.

Ngoài ra, cần nhớ rằng vụ án xảy ra tại PVN đã được khởi tố từ lâu rồi, cơ quan tố tụng cũng đã thu thập, chứng minh khá đầy đủ rồi. Vì vậy, việc điều tra bị can Đinh La Thăng trong thời gian ngắn vậy cũng là điều dễ hiểu.

Ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và ông Phùng Đình Thực, cựu tổng giám đốc tập đoàn này. Ảnh: TTXVN

Đã được báo cáo là không đúng nhưng vẫn làm

Theo thông tin có được, năm 2006, theo đề án hình thành tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã phê duyệt, PVN được thành lập mới một ngân hàng cổ phần dầu khí, trong đó PVN nắm trên 50% vốn điều lệ. 

PVN sau đó đã hoàn thành một số thủ tục thành lập ban trù bị ngân hàng này, xây dựng bộ máy, tuyển dụng nhân sự, mua sắm một số trang thiết bị để thành lập và hoạt động. 

Tuy nhiên, năm 2008, PVN không tham gia vào việc thành lập ngân hàng này nữa mà chuyển sang góp vốn mua cổ phần của Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).

Mặc dù được báo cáo rõ tình hình kinh tế, kết quả hoạt động của OceanBank nhưng ông Đinh La Thăng với vai trò là chủ tịch PVN giai đoạn từ năm 2008 đến 2011, đã không có bất cứ chỉ đạo nào đối với HĐQT và ban điều hành PVN để thống nhất chủ trương, thực hiện thẩm định, khảo sát OceanBank, phương án góp vốn cũng như tính hiệu quả, khả thi của việc góp vốn vào ngân hàng này. 

Ông Đinh La Thăng không thông qua HĐQT mà đã ký thỏa thuận thống nhất với Hà Văn Thắm (chủ tịch HĐQT OceanBank) việc góp vốn vào ngân hàng này, đồng thời ông Đinh La Thăng cũng không báo cáo Chính phủ theo đúng quy định.

Sau khi ký thỏa thuận góp vốn, ông Thăng cũng tiếp tục đồng ý chủ trương, ký ban hành các nghị quyết góp vốn, bổ sung vốn góp vào OceanBank khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ; ký quyết định cử người đại diện phần vốn góp của PVN bằng 20% vốn điều lệ OceanBank. 

Dù được hội đồng thành viên và thư ký báo cáo về việc ban hành nghị quyết góp vốn không đúng quy định nhưng ông Thăng không chỉ đạo điều chỉnh hoặc thoái vốn.

Việc ông Thăng làm trái các quy định tại nghị định của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã gây thiệt hại 800 tỉ đồng cho PVN tại OceanBank.

Theo cơ quan tố tụng, đến thời điểm tháng 3-2014, PVN là một trong bốn cổ đông góp vốn lớn nhất vào OceanBank.

Cuối năm 2008, ông Đinh La Thăng khi còn là chủ tịch PVN đã ký thỏa thuận để trở thành cổ đông, đối tác chiến lược tham gia góp vốn 20% tại OceanBank. Tổng số tiền mà PVN đã gửi vào OceanBank là 800 tỉ đồng đến nay không thể thu hồi.

Theo thông tin có được, ông Thăng lúc làm chủ tịch PVN còn cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành tại OceanBank. Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Sơn được PVN giới thiệu, cử làm thành viên HĐQT, kiêm chức vụ tổng giám đốc của OceanBank. Trong đại án OceanBank, ông Sơn bị truy tố, đưa ra xét xử tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Thăng, ông Thực có liên quan đến Nhiệt điện Thái Bình 2

Ngày 20-12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố đối với bị can Phùng Đình Thực, cựu tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Theo nguồn tin từ cơ quan tố tụng, hiện cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ sai phạm của ông Phùng Đình Thực - nguyên tổng giám đốc PVN do liên quan đến sai phạm của Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 mà ông Thăng có trách nhiệm liên quan.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu: Việc chỉ định gói thầu EPC tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư, PVC được giao làm nhà thầu có nhiệm vụ thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm hàng hóa, thiết bị vật tư, xây lắp, nghiệm thu, đào tạo và bàn giao vận hành…

Nhóm cán bộ chủ chốt của PVC là người trực tiếp ký duyệt các thủ tục về tài chính dự án nhà máy nhiệt điện có công suất thiết kết 1.200 MW với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD).

Được biết PVC đã ký hợp đồng EPC với Ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 - PVN với giá trị khoảng 918 triệu USD và 5.874 tỉ đồng. Cũng ngay trong năm 2011, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký hợp đồng EPC đã tạm ứng cho dự án này 1.312 tỉ đồng và 6,6 triệu USD.

CQĐT xác định trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2013, lãnh đạo PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát và làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng.

Trong dự án Nhiệt điện Thái Bình II, theo hồ sơ vụ việc, từ năm 2011, Tập đoàn PVN ký hợp đồng EPC (xây dựng - vận hành - chuyển giao) giao cho PVC xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình II với tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỉ đồng. PVC được tạm ứng để thi công dự án này hơn 1.300 tỉ đồng và 6,6 triệu USD.

Sau khi nhận được số tiền tạm ứng, PVC đem 1.080 tỉ đồng để thanh toán nợ gốc vay ngân hàng 425 tỉ đồng, thanh toán lãi vay ủy thác của Tập đoàn PVN 55 tỉ đồng, hỗ trợ vốn Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỉ đồng, hỗ trợ vốn công trình Vũng Áng 103 tỉ đồng, hỗ trợ các công trình khác 156 tỉ đồng.

Ngoài ra, đem góp vốn vào năm công ty con gồm: Công ty PVC MS 102 tỉ đồng, Công ty PVC-Land 50 tỉ đồng, Công ty PVC-Hòa Bình 55 tỉ đồng, Công ty PVNC 30 tỉ đồng và Công ty PVC-Mekong 30 tỉ đồng.

Đến nay, có ba công ty kinh doanh thua lỗ không thu hồi được vốn…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm