Đề nghị truy tố PGĐ Công ty Hào Dương

Ngày 9-4, Cơ quan CSĐT (PC46) Công an TP.HCM có kết luận điều tra, đề nghị VKS truy tố bà Trịnh Thị Phương Mai (33 tuổi, ngụ quận 7, phó giám đốc môi trường Công ty Cổ phần Thuộc da Hào Dương) về tội danh vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Công ty Hào Dương có một khu xử lý nước thải gồm các bể chứa nước thải, bể lắng và bể thu gom bùn. Do đường ống dẫn bùn bị nghẹt, ngày 24-4-2013, kỹ sư Nguyễn Minh Tuân (Phó phòng Môi trường) đề xuất hướng xử lý là gắn ống nước sạch vào ống dẫn bùn, sau đó dùng áp lực nước qua máy bơm đẩy bùn bị nghẹt ra. Nghe báo cáo, bà Mai đồng ý và không ý kiến gì thêm.

Lúc 9 giờ ngày 24-4-2013, anh Nguyễn Minh Tuân xuống hiện trường cho công nhân sử dụng máy bơm nước thải của bể lắng một đẩy vào ống dẫn bùn bị nghẹt để thông ống (thay vì phải hút nước sạch từ sông). Khi đang dùng thang tre xuống bể thu gom bùn, công nhân Huỳnh Thanh Tài bị ngạt khí ngã xuống bể. Anh Tuân thấy vậy vội xuống cứu nhưng cũng bị ngạt, ngã xuống. Tiếp đó, công nhân Lê Phát Tài cũng cùng chung số phận khi xuống cứu hai đồng nghiệp.

 
Lực lượng chức năng kiểm tra vi phạm xả thải tại Công ty Hào Dương. Ảnh: TRUNG THANH

Ngày 23-9-2013, đoàn điều tra tai nạn lao động của TP kết luận nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn lao động trên là do vi phạm các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Tới ngày 12-12-2013, PC46 khởi tố vụ án hình sự. Tiếp đó, ngày 24-12-2013, PC46 khởi tố bị can đối với bà Mai nhưng cho tại ngoại do có con nhỏ.

Tại cơ quan điều tra, bà Mai thừa nhận đã giao nhiệm vụ cho kỹ sư Nguyễn Minh Tuân nhưng không trực tiếp theo dõi và giám sát quá trình thực hiện. Đồng thời cũng không nhắc nhở công nhân tuân thủ các quy định về an toàn lao động, không yêu cầu kỹ sư Tuân lập kế hoạch và phương án thông ống dẫn bùn bị nghẹt bằng văn bản đúng quy định.

Trong kết luận điều tra, cơ quan điều tra khẳng định bà Trịnh Thị Phương Mai đã không tuân thủ các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động dẫn đến hậu quả là tai nạn làm chết ba người. Các công nhân, kỹ sư tử nạn cũng có lỗi do không tuân thủ các nội quy, quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động; không sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động đã được công ty trang bị như dây đai an toàn, mặt nạ phòng độc.

Đối với các ông Tăng Văn Đức (chủ tịch HĐQT công ty), Trương Hải (giám đốc) và Lê Đức Phận (phó giám đốc phụ trách an toàn lao động), cơ quan điều tra xác định họ đã làm đúng chức năng, nhiệm vụ được giao nên không đưa vào diện xử lý theo pháp luật hình sự.

TRUNG DUNG - ÁI NHÂN

 

Bị phạt nhiều lần nhưng vẫn tái phạm

Công ty Hào Dương (Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) là một công ty thuộc da có quy mô lớn tại TP.HCM với hàng ngàn tấn da thuộc mỗi tháng, lượng nước sử dụng mỗi ngày hơn 3.500 m3. Từ năm 2008 đến nay, Công ty Hào Dương bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính chín lần vì xả chất thải độc hại ra sông Đồng Điền. Lần gần nhất là vào đầu tháng 10-2013 với mức phạt 75 triệu đồng. Lần xử phạt nặng nhất là 340 triệu đồng kèm theo quyết định đình chỉ hoạt động vào tháng 9-2012.

Tuy bị xử phạt nhiều lần như vậy nhưng Công ty Hào Dương vẫn tái phạm, phớt lờ cảnh báo của chính quyền, cơ quan chức năng và dư luận. Nguồn nước thải độc hại từ doanh nghiệp này đã biến sông Đồng Điền thành một dòng sông chết. Nhiều ý kiến cho rằng đó là do số tiền phạt chẳng thấm tháp gì so với chi phí lẽ ra họ phải bỏ ra để xử lý môi trường trong quá trình sản xuất. Được biết để vận hành hệ thống nước thải, lẽ ra mỗi tháng Công ty Hào Dương phải chi từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Như vậy, chỉ cần vài tháng xả nước thải trực tiếp ra môi trường là họ có đủ tiền để nộp phạt!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm