Giải pháp để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững

Để TP Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới

Ngày 16-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 bước sang ngày làm việc thứ hai với phần trình bày tham luận về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho TP của các đại biểu. Trong đó, đáng chú ý là tham luận của ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, về phát triển TP Thủ Đức - Khu đô thị (KĐT) sáng tạo tương tác cao phía đông TP giai đoạn 2020-2035.

Tiếp tục làm cầu, đường để xây đô thị xanh, sáng tạo

Về TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thanh Nhã cho biết hiện nơi đây đã có hàng loạt công trình trọng điểm như đường Mai Chí Thọ và hầm vượt sông Sài Gòn, đường vành đai 2, metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Cạnh đó, tại khu vực này bước đầu hình thành những trung tâm mới về tài chính tại Thủ Thiêm (quận 2), khu nghiên cứu khoa học - Khu công nghệ cao (quận 9 và quận Thủ Đức). Với khu ĐH Quốc gia TP.HCM (quận Thủ Đức) tập trung 12 trường đại học, viện nghiên cứu, là nơi thu hút nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ ở TP mà còn ở các tỉnh lân cận.

Từ những lợi thế có sẵn về hạ tầng giao thông, khu công nghệ và các trường đại học trên, ông Nhã kỳ vọng rằng TP Thủ Đức - KĐT sáng tạo tương tác cao ở phía đông sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của TP.HCM và khu vực. KĐT sáng tạo này sẽ dựa trên nền tảng phát triển mũi nhọn là nền kinh tế tri thức và hợp tác phát triển. “Bằng cách phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, TP sẽ hình thành được nguồn nhân lực tiên tiến, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội và quản lý nhà nước hướng đến thành lập TP phía đông” - ông Nhã nói.

Theo ông Nhã, từ tính toán, dự báo về mức tăng và mật độ dân số tối đa của TP Thủ Đức theo ba giai đoạn thì giao thông công cộng sẽ phải đáp ứng 50%-60% nhu cầu đi lại. Khoảng 10% diện tích TP Thủ Đức sẽ là công viên.

Đặc biệt, đến năm 2040 phải đảm bảo chống ngập tới tần suất 80%, tức năm năm mới xảy ra ngập một lần. Khoảng 30% diện tích công viên sẽ trở thành hồ điều hòa để giảm rủi ro ngập (tương đương 630 ha đất làm hồ điều hòa). Có 1.000-1.200 ha đất công nghiệp sẽ được bố trí trong KĐT sáng tạo tương tác cao phía đông để đảm bảo không gian sản xuất công nghệ cao và nghiên cứu phát triển.

Theo ông Nhã, tại TP Thủ Đức sẽ có tám trung tâm đổi mới sáng tạo, như KĐT mới Thủ Thiêm sẽ là trung tâm công nghệ tài chính, Khu công nghệ cao sẽ là trung tâm sản xuất tự động hóa và khu công viên khoa học… Đặc biệt, KĐT Trường Thọ sẽ là một địa điểm lý tưởng để tái phát triển khu vực cảng theo mô hình TP thông minh. “Những ý tưởng độc đáo và có tính cách mạng nhất về công nghệ sẽ diễn ra tại KĐT Trường Thọ” - ông Nhã nói và khẳng định KĐT này sẽ có vai trò như một KĐT mới với những hạ tầng xanh và tương tác, phương thức vận tải mới và thông tin mới…

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM (ảnh nhỏ), nói về quy hoạch TP Thủ Đức tương lai. Cụm ĐH Quốc gia sẽ là một trong những trọng tâm phát triển của TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG GIANG - TTBC ĐH

Tạo quỹ đất hấp dẫn nhà đầu tư

Để xây dựng TP Thủ Đức, ông Nhã đề xuất bảy nhóm giải pháp, trong đó cốt lõi là triển khai thực hiện KĐT sáng tạo tương tác cao phía đông. Trong đó, đáng chú ý về xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây sẽ là mở rộng mạng lưới xe buýt, BRT (xe buýt nhanh), gắn kết với các trung tâm phát triển, các khu dân cư mới và kết nối với tuyến metro số 1 đang hình thành.

Cùng đó là nâng cao tỉ lệ người sử dụng giao thông công cộng tại khu vực từ 10% lên 20% trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Đồng thời, phát triển mạng lưới giao thông đường thủy để điều hướng các hành lang kênh, rạch lớn và kết nối với mạng lưới sông lớn.

TP cũng tạo chính sách tổng thể về tài chính đô thị dựa trên những mục tiêu quy hoạch và phát triển hạ tầng, xây dựng chiến lược đầu tư và kỳ vọng phát triển kinh tế, tài chính trong tổng thể giai đoạn 2021-2040.

Ông Nhã cũng đề cập đến việc nghiên cứu các chính sách thu hồi, tạo quỹ đất, chính sách đầu tư phát triển, chính sách đấu thầu dự án hoặc đấu giá đất, chính sách ưu đãi đối với nhóm các cá nhân, tổ chức cần thu hút hoạt động kinh doanh. Song song với việc xây dựng hệ thống quỹ đất chịu sự quản lý của Nhà nước, duy trì cơ chế cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê và cơ chế khuyến khích phát triển thông qua cơ chế thưởng hệ số sử dụng đất.

Cùng với đó là giải pháp về nghiên cứu và giáo dục và giải pháp về xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp nhằm thu hút nguồn vốn tư nhân, tận dụng nguồn lực này tham gia giải quyết vấn đề của TP.

Kinh tế tri thức “sống” ở đô thị sáng tạo phía đông

Ông Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc thường trực ĐH Quốc gia TP.HCM, trong tham luận của mình đã nêu ra hệ thống giải pháp phát triển kinh tế tri thức xoay quanh bốn trụ cột chính: Giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học - đổi mới sáng tạo, hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống thể chế, chính sách.

Từ đó, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ chủ động tích cực tham gia các chương trình đào tạo trình độ quốc tế ở các lĩnh vực được giao như công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản lý đô thị. Các chương trình đào tạo này sẽ được thiết kế và xây dựng theo các chuẩn mực kiểm định quốc tế, giảng dạy bằng tiếng Anh, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của TP trong việc phát triển kinh tế tri thức.

Ông Quân cũng đưa ra việc thành lập và vận hành mô hình đại học chia sẻ, tạo ra nền tảng để các trường đại học trên địa bàn TP chia sẻ tài nguyên như tài liệu sách, giáo trình, hệ thống bài giảng… ĐH Quốc gia TP.HCM cũng tạo các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giao thông, y tế, tài chính.

Đặc biệt, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ trở thành một hạt nhân trong KĐT sáng tạo tương tác cao phía đông. 

Ba mốc phát triển dân số ở TP Thủ Đức

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, dự báo từ năm 2020 đến 2060 sẽ có ba mốc phát triển dân số ở TP Thủ Đức. Cụ thể:

Đến năm 2030, TP Thủ Đức sẽ có 50.000 việc làm trình độ cử nhân, kỹ sư và chuyên gia với dân số cư trú sẽ đạt mức 1,5 triệu người.

Đến năm 2040, có 150.000 việc làm trình độ cử nhân, kỹ sư và chuyên gia với dân số đạt 1,9 triệu người.

Đến năm 2060, dân số TP mới này sẽ đạt mức 3 triệu người. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy