Đề xuất lập siêu sở: Tránh nhập vào rồi lại tách ra

Ngày 29-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho biết đã chính thức gửi UBND TP Đà Nẵng về việc tham gia ý kiến vào dự thảo nghị định về các cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Theo đó, địa phương thống nhất với Bộ Nội vụ về chủ trương sáp nhập để làm gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. 

Tuy nhiên, ông Võ Ngọc Đồng cũng cho rằng bộ máy là cái gốc, sắp xếp bộ máy là việc lớn nên phải hết sức cân nhắc, phải tính toán lâu dài, không nên nóng vội.

Cần hết sức cân nhắc

Theo đó, cần đánh giá lại hiệu quả mô hình tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh qua các thời kỳ cũng như căn cứ vào thực tế quản lý hiện nay để đề xuất lựa chọn mô hình tối ưu, tránh tình trạng “nhập vào” - “tách ra”. Không ổn định bộ máy nhà nước sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý của địa phương. 

Theo ông Đồng, các địa phương vừa hoàn thành việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong năm 2016 theo các thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ và các bộ chuyên ngành. Đến thời điểm hiện nay vẫn còn nhiều hệ quả chưa giải quyết xong như dư số lượng cấp phó, chưa cân đối được biên chế, nhân lực giữa các tổ chức cấu thành.

Nay Bộ Nội vụ đặt vấn đề tiếp tục sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn sẽ lại làm xáo trộn bộ máy ở địa phương, tác động đến chất lượng quản lý nhà nước và gián tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Việc sáp nhập sở cần được cân nhắc kỹ. Ảnh: LÊ PHI

Bên cạnh đó, đổi mới bộ máy hành chính không chỉ ở đầu mối tổ chức các sở, phòng mà phải gắn liền với cải cách phương thức quản lý của nhà nước. Trong điều kiện phương thức quản lý của chúng ta chưa đổi mới gì nhiều, còn trực tiếp quản lý đối với phần lớn dịch vụ công thì việc tinh gọn bộ máy một cách cơ học trong lúc nhiệm vụ, khối lượng công việc, cung cách quản lý... vẫn không thay đổi thì sẽ dẫn đến quá tải, hiệu quả quản lý suy giảm.

“Vì vậy, trước khi tiếp tục sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính ở địa phương, đề nghị trung ương nên nghiên cứu đổi mới phương thức quản lý theo hướng chuyển giao nhiệm vụ nhiều hơn cho các tổ chức phi chính phủ và khu vực doanh nghiệp" - ông Đồng nói.

Theo ông Đồng, cần chuyển giao nhiệm vụ dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp, đẩy mạnh đấu thầu, thuê khoán doanh nghiệp thực hiện một số công việc của Nhà nước...

"Giảm dần tiến đến tách hẳn dịch vụ công ra khỏi công tác quản lý. Cơ quan hành chính chỉ thực hiện các chức năng quản lý nhà nước thuần túy như ban hành và kiểm soát chính sách, pháp luật. Từ đó rồi mới tinh gọn bộ máy và biên chế thì phù hợp thực tiễn hơn” - ông Đồng cho hay.

Sẽ xáo trộn nếu hợp nhất các sở

Về chủ trương hợp nhất một số sở, giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho rằng việc hợp nhất các sở chuyên ngành không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan nhà nước mà gián tiếp tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của mọi tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội.

Các nội dung thể hiện ở “Chương II - Tổ chức các sở thuộc UBND cấp tỉnh” mới thể hiện giảm số lượng các sở và cơ quan ngang sở thông qua việc gộp cơ học chức năng nhiệm vụ mà chưa thể hiện được việc giảm quy mô, khối lượng. Cần có luận chứng cho việc sáp nhập này liệu có quản lý tốt hơn hay không. Hướng sáp nhập này sẽ hình thành một số sở có khối lượng công việc quá lớn, siêu sở, dẫn đến khó quản lý, quản lý không chuyên nghiệp.

Việc sáp nhập sẽ khó thực hiện vì đặc thù đô thị. Ảnh: LÊ PHI

Ông Võ Ngọc Đồng cũng cho rằng đối với các TP trực thuộc trung ương, đề nghị điều chỉnh, bổ sung các nội dung liên quan đến việc thành lập Sở Giao thông Công chính, Sở Xây dựng và Quy hoạch. Việc điều chỉnh nhằm phù hợp với đặc điểm, tính chất quản lý ở chính quyền đô thị và đặc thù chuyên ngành giao thông vận tải, chuyên ngành xây dựng, quy hoạch và kiến trúc đô thị.

Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho rằng việc hợp nhất Sở KH&ĐT với Sở Tài chính sẽ tạo sự chủ động trong xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, gắn liền với sự chủ động về nguồn lực và phân bổ nguồn lực tài chính, đầu tư, thu hút đầu tư.

“Tuy nhiên, nội dung quản lý nhà nước về doanh nghiệp, kinh tế tư nhân… cần được nghiên cứu, xem xét với chức năng của Sở Công Thương để có thể hình thành Sở Kinh tế - Thương mại” - Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho hay.

Cũng theo sở này, nếu Bộ Nội vụ giải trình cơ sở thực hiện hợp nhất Sở KH&ĐT với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính được Chính phủ thông qua thì đề nghị điều chỉnh thời điểm triển khai, nên thực hiện vào cuối nhiệm kỳ 2016-2021 để tránh xáo trộn về mặt nhân sự, cơ cấu tổ chức và biên chế của các địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.