Đi làm thủ tục còn được... tặng tiền

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ KH&ĐT, tự nhận xét như trên tại hội nghị tổng kết một năm thi hành Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Đầu tư ngày 13-9 tại TP.HCM.

Mô hình đăng ký kinh doanh vui vẻ

Thông tin tại hội thảo cho biết trong quá trình triển khai thực thi hai luật trên, các DN đã có thể đăng ký kinh doanh (ĐKKD) qua mạng, không cần phải đến các cơ quan ĐKKD xếp hàng chờ đợi mỏi mòn như trước đây nữa.

Ông Tuấn dẫn chứng ở Hà Nội có khoảng 3.300 đã DN ĐKKD qua mạng, cao nhất cả nước. Đăng ký bằng chữ ký số thì khá tốn kém, vì vậy Cục đã triển khai đăng ký bằng tài khoản nhằm tạo tiện lợi cho DN.

“Các tỉnh khác chưa giới thiệu được tiện ích này rộng rãi. ở Hà Nội, chính giám đốc Sở KH&ĐT thường xuyên ngồi ở căn tin ăn trưa với các DN để giới thiệu tiện ích này cho họ. Nhờ đó có đến 40% DN đã nộp hồ sơ qua mạng” - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, Hà Nội còn khuyến khích DN nộp hồ sơ thủ tục qua mạng, giải quyết trong vòng hai ngày, so với nộp hồ sơ giấy giải quyết trong ba ngày.

“Lần đầu DN đến sở, chưa biết có tiện ích trên thì sẽ được nhân viên hướng dẫn chọn nộp hồ sơ giấy hay hồ sơ qua mạng. Nếu DN chọn nộp qua mạng thì nhân viên ngồi tại quầy, hỗ trợ từng chi tiết một cho đến khi DN khai xong hồ sơ trên máy. Đã thử làm một lần thì lần sau DN hoàn toàn có thể ngồi tại nhà để làm” - ông Tuấn kể.

Câu chuyện ĐKKD của Hà Tĩnh lại hấp dẫn theo cách khác. “Hà Tĩnh gọi mô hình của họ là: Cơ quan ĐKKD vui vẻ” - ông Tuấn kể. Theo đó DN được cấp chứng nhận ngay trong ngày, có thể nói là nhanh nhất trong cả nước.

Chưa hết, Hà Tĩnh còn miễn toàn bộ loại phí cho DN. ĐKKD không mất phí, lại còn được “cho tiền” mang về. Chẳng hạn, tỉnh hỗ trợ toàn bộ tiền làm con dấu. Thậm chí tùy trường hợp, dự án mà DN còn được nhận hỗ trợ 15 triệu đồng.

Chưa đồng bộ giữa các luật

Tuy Luật DN và Luật Đầu tư đã tạo thuận lợi cho DN làm ăn nhưng lãnh đạo một số cơ quan ĐKKD cũng góp ý một số điều khoản của hai luật này cần sửa đổi và điều chỉnh.

Ông Lê Đình Khánh, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng Luật Đầu tư và Luật Đất đai có mâu thuẫn nhau, gây một số vướng mắc khi xử lý hồ sơ. Cụ thể, luật này thì không yêu cầu xin ý kiến, luật kia lại yêu cầu xin ý kiến Bộ Quốc phòng. Sự mâu thuẫn này khiến có dự án tại địa phương chậm 3-4 tháng so với kế hoạch vì chờ xin ý kiến.

Việc thu hồi đất của các dự án chậm tiến độ cũng vướng vì mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai. Theo Luật Đất đai, dự án chậm 24 tháng thì được gia hạn 24 tháng nữa. Tổng cộng hết 48 tháng mà nhà đầu tư vẫn chưa triển khai dự án thì bị thu hồi đất, không bồi thường đất lẫn tài sản. Trong khi đó, Luật Đầu tư cho giãn tiến độ không quá 24 tháng.

“Huế đã từng gặp lúng túng khi phải xử lý dự án tại các khu đất vàng bị “đá” nhau giữa hai luật” - ông Khánh nêu thực tế.

Đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM phản ánh việc đòi DN phải ký quỹ quá lâu để được thực hiện dự án chẳng khác nào chiếm dụng vốn của DN. Do đó nên cân nhắc vấn đề này để không gây thiệt thòi cho DN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm