Điểm nhấn của hành trình 25 năm kiến tạo lòng tin Việt - Mỹ

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm bình thường hoá quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam (VN), Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, nhận định quan hệ Việt-Mỹ là mối quan hệ dựa trên niềm tin và thái độ tôn trọng sự khác biệt trong hệ thống chính trị và đường lối phát triển của nhau. 

Bên cạnh những thành quả vô cùng to lớn, hai nước vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết để thúc đẩy hợp tác song phương lên tầm cao mới.

Kiến tạo niềm tin Mỹ-VN

. Phóng viên: Suốt 25 năm qua, VN và Mỹ đã đạt không ít thành tựu. Theo ông, dấu ấn lớn nhất trong một phần tư thế kỷ qua là gì?

+ GS.TS Phạm Quang Minh: Theo tôi được biết, từ 1995 đến nay đã có trên dưới 40 sự kiện quan trọng trong quan hệ hai nước, bao trùm tất cả các lĩnh vực. Chính trị - ngoại giao là lĩnh vực có nhiều ảnh hưởng nhất, tác động sâu sắc đến quan hệ Mỹ-VN cũng như thúc đẩy hai lĩnh vực còn lại, gồm hợp tác phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng.

Lãnh đạo hai nước thông qua tiếp xúc đã kiến tạo được một sự tin tưởng có chiều sâu về mặt chính trị, vượt lên trên khác biệt về mặt thể chế.

Sự tin tưởng được thể hiện thông qua những chuyến thăm Mỹ của các lãnh đạo cấp cao VN, điển hình như cố Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và gần đây là Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Các chuyến thăm đều được phía lãnh đạo Mỹ như cựu Tổng thống George W. Bush, cựu Tổng thống Barack Obama, Tổng thống Donald Trump đón tiếp trọng thị. 

. Trong số những sự kiện nói trên, ông ấn tượng nhất với sự kiện nào?

+ Chuyến thăm của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015 là đáng chú ý hơn cả. Cụ thể, việc Nhà Trắng sẵn sàng đón tiếp nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản là minh chứng cho niềm tin mạnh mẽ mà lãnh đạo hai nước dành cho nhau. Đó là bằng chứng không thể chối cãi cho sự bình đẳng trong quan hệ Việt - Mỹ. Không còn bất đồng về ý thức hệ hay khác biệt về hệ thống chính trị trong quan hệ hai nước.

Chuyến thăm Mỹ vào năm 2013 của cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng là một cột mốc quan trọng khác trong tiến trình ngoại giao.

Cụ thể, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama tuyên bố hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Điều này tạo ra khuôn khổ mới nâng cao quan hệ hợp tác hai nước trên nhiều lĩnh vực, cũng như góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.

. Dưới thời Tổng thống Donald Trump hiện nay, quan hệ Mỹ-VN ra sao?

+ Những thành tựu đạt được ở các giai đoạn trước đến nay tiếp tục được duy trì và phát triển. Chính quyền Tổng thống Trump và VN hiện tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương. Còn nhớ, Tổng thống Trump ngay trong năm 2017, tức là năm đầu tiên của nhiệm kỳ, đã đến thăm VN. VN cũng trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên được nhà lãnh đạo này tổ chức thăm chính thức sau khi nhậm chức. 

Đến năm 2018, Mỹ tiếp tục chọn VN làm nơi tổ chức cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Như vậy có thể thấy giữa VN và Mỹ đã tạo dựng được độ tin cậy và quan tâm lẫn nhau rất lớn.

Điểm nhấn của hành trình 25 năm kiến tạo lòng tin Việt - Mỹ ảnh 1
Tổng thống Donald Trump cầm lá cờ Việt Nam vẫy chào cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tham dự thượng đỉnh Mỹ - Triều tại thủ đô Hà Nội hồi tháng 2-2019. Ảnh: REUTERS

Nhiều điểm nhấn trong quốc phòng, kinh tế 

Trong bối cảnh cả VN lẫn Mỹ hiện đang đối mặt với nhiều thách thức về vấn đề an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, ông nhìn nhận như thế nào về hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này?

+ Lĩnh vực an ninh quốc phòng là trụ cột hợp tác rất quan trọng trong quan hệ hai nước. VN không phải đồng minh hay đối tác chiến lược của Mỹ, nhưng là quốc gia mà Washington rất chú trọng tăng cường hợp tác quốc phòng. Điều đó cho thấy Mỹ đặt rất nhiều niềm tin vào VN. 

Tàu chiến của Mỹ nhiều lần đến thăm các cảng biển của VN như tàu sân bay USS Carl Vinson vào năm 2018 hay tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vào năm 2020. VN cũng cử nhiều sĩ quan đến tham gia các khoá huấn luyện quân sự hay khoá học Tiếng Anh do Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ đào tạo.

Một sự kiện đặc biệt là cựu Tổng thống Barack Obama hồi tháng 5-2016 đã chính thức bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho VN...

Tổng thống Mỹ khi ấy khẳng định quan hệ Việt - Mỹ ngày càng trở nên sâu sắc và mở rộng hơn. Do đó, Mỹ không muốn lệnh cấm này là nhân tố gây chia rẽ Mỹ-VN vì hai nước đã nỗ lực rất nhiều để xây dựng lòng tin, nhất là trên lĩnh vực quan trọng như an ninh quốc phòng.

Thời gian gần đây, hợp tác kinh tế cũng được Mỹ-VN chú trọng đẩy mạnh. Vai trò hợp tác kinh tế trong quan hệ hai nước là gì, thưa ông?

+ Kinh tế là một mũi nhọn không kém phần quan trọng, bên cạnh chính trị-ngoại giao và an ninh quốc phòng. Nói gì thì nói, phải có tiềm lực kinh tế thì hợp tác các lĩnh vực khác cũng dễ dàng hơn, có nguồn lực và điều kiện tốt hơn.

Thị trường Mỹ và VN có sự tương hỗ cho nhau, tức là cái VN cần thì Mỹ có và ngược lại. Ngoài ra, nhờ niềm tin giữa hai nước gia tăng, nên cả hai cởi mở hơn, tự do hoá thị trường hơn nên các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước mạnh dạn đầu tư hơn. 

Hồi tháng 5-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump về hợp tác song phương và phối hợp phòng chống dịch COVID-19.

VN cũng đã cùng Hàn Quốc, New Zealand và “Bộ tứ kim cương” (QUAD), gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, có cuộc điện đàm không chính thức về tình hình dịch COVID-19, cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất nhằm mở cửa và hồi phục nền kinh tế sau thời gian dịch bệnh. Các sự kiện này cho thấy vai trò là đối tác kinh tế của VN đối với Mỹ ngày càng gia tăng.

Mặt khác, có thể thấy thành quả hợp tác kinh tế qua những con số tăng trưởng, ví dụ về kim ngạch thương mại hai chiều suốt 25 năm qua.

Theo thông tin của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia VN, kim ngạch thương mại Việt - Mỹ nếu vào năm 1995 chỉ ở mức khoảng 450 triệu USD thì đến năm 2019 đã tăng đến hơn 75 tỉ USD. Năm 2019, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 28,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng và các hoạt động giao thương giữa hai nước đang diễn ra rất sôi động và mạnh mẽ. 

Không riêng gì Việt - Mỹ, trong tất cả các mối quan hệ trên thế giới thì lòng tin vẫn là điều quan trọng nhất. Muốn vượt qua được sự nghi kỵ thì chắc chắn phải tăng cường giao lưu tăng cường trao đổi ở mọi cấp độ. Ngoại giao nhân dân, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, y tế hay những hoạt động liên quan đến con người phải được củng cố dần dần. 

GS.TS PHẠM QUANG MINH

Cùng nhau giải quyết thách thức

. Chiến tranh VN đã từng là cái bóng ám ảnh quan hệ hai nước. Sau 25 năm bình thường hoá quan hệ, thách thức này còn tồn tại không?

+ Những thách thức sinh ra từ sau chiến tranh VN vẫn còn tồn tại như những di sản của quá khứ. Ví dụ như vấn đề chất độc màu da cam, hay những di chứng chiến tranh xảy ra với các cựu binh sĩ của hai nước, nhất là đối với VN. Tôi nghĩ Mỹ cần có động thái hiệu quả hơn nữa trong xử lý những vấn đề như vậy, điển hình là việc bồi thường cho các nạn nhân chịu ảnh hưởng của chất độc màu da cam.

. Ngoài những vấn đề của quá khứ thì còn thách thức nào khác? 

+ Còn chứ! Dù hai nước đã hình thành niềm tin và thái độ tôn trọng sự khác biệt thể chế chính trị của nhau, nhưng không có nghĩa là không có bất kỳ mâu thuẫn nào. Mỹ đến nay vẫn chưa công nhận VN có nền kinh tế thị trường. Điều đó khiến việc đáp ứng các điều kiện khi giao thương với Mỹ gặp nhiều trở ngại. Thế nên, tôi nghĩ Mỹ nên nhìn nhận VN với tư cách một quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi để phát triển. Từ đó, Mỹ mới có thể chấp nhận những hạn chế nhất định mang tính tức thời hiện tại.

. Xin cám ơn ông.

Mỹ có lợi ích chiến lược ở Biển Đông

Theo GS.TS Phạm Quang Minh, Mỹ đặc biệt quan tâm đến Biển Đông bởi đây là tuyến hàng hải huyết mạch với lượng hàng hoá lưu thông thuộc hàng cao nhất thế giới. Đây cũng là con đường nối liền Mỹ với những đồng minh phi NATO như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Úc. Mặt khác, Biển Đông là địa bàn hoạt động chủ yếu của đối thủ cạnh tranh lớn nhất của nước này - Trung Quốc. 

Điều Mỹ cần làm trong thời gian tới là tăng cường năng lực cho các nước ASEAN và hỗ trợ khối này đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc.

Chỉ khi năng lực tăng lên thì ASEAN mới có thể dễ dàng vượt qua khó khăn hiện tại và góp phần giữ gìn hoà bình chung. ASEAN mong muốn có sự hợp tác toàn diện và có tính xây dựng của Mỹ đối với khu vực. Mỹ phải trở thành một trong những tác nhân, chủ thể đóng vai trò chính trong việc thiết lập trật tự dựa trên luật pháp ở đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm