Điều tra vụ phá 26 ha đước ở Bến Tre

Liên quan đến việc cho hạ gần 26 ha rừng đước ở Khu bảo tồn thiên nhiên huyện Thạnh Phú (Bến Tre), Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ và Đặc dụng tỉnh cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT đã vi phạm nguyên tắc quản lý, gây thiệt hại nghiêm trọng. Công an tỉnh Bến Tre vừa có kết luận như trên.

Cây tốt, bán làm củi

Theo kết luận của Công an tỉnh Bến Tre, việc Sở NN&PTNT cho phép khai thác trắng vùng rừng thuộc khu bảo tồn trên là không đủ cơ sở pháp lý.

Cuối tháng 4-2012, BQL rừng lập tờ trình gửi Sở NN&PTNT xin được khai thác khoảng 2.000 m3 gỗ với lý do diện tích rừng trồng nêu trên bị sâu bệnh tấn công, phải đốn bỏ để trồng lại. Sau đó, tỉnh cho chủ trương khai thác vào đầu tháng 6, Sở NN&PTNT đã phê duyệt thiết kế khai thác tận thu rừng đước. Đồng thời, Sở cũng có công văn cho phép BQL rừng được chỉ định đơn vị khai thác.

Điều tra vụ phá 26 ha đước ở Bến Tre ảnh 1

Rừng đước bảo tồn ở Thạnh Phú (Bến Tre) bị đốn làm củi. Ảnh: HƯNG THỊNH

Kết quả, DNTN gỗ Tuấn An (xã Thạnh Phong, Thạnh Phú) được chỉ định khai thác khoảng 3.000 ster củi, trị giá bán củi hơn 1,8 tỉ đồng. Số tiền này sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Việc khai thác tiến hành với thời hạn cho phép mở cửa rừng trong vòng ba tháng. Tuy nhiên, qua đơn thư tố cáo của công dân, ngày 16-8, Thanh tra Sở NN&PTNT ra quyết định tạm đình chỉ hợp đồng khai thác, đồng thời phối hợp với Phòng PC46 Công an tỉnh Bến Tre làm rõ những dấu hiệu sai phạm và đề xuất hướng xử lý số gỗ đã đốn hạ còn lại trong rừng…

Mới đây, Chi cục Bảo vệ thực vật Bến Tre có báo cáo gửi cơ quan điều tra, cho biết qua khảo sát thực tế, trên diện tích rừng đước bị khai thác, số cây đước chưa bị đốn hạ và những lô rừng lân cận phát triển bình thường. Quan sát số gỗ đã đốn không thấy có dấu hiệu phát triển của sâu bệnh. “Nếu sâu bệnh xâm hại đến mức phải đốn bỏ thì sâu bệnh sẽ lan ra các lô xanh tốt xung quanh nhưng thực tế không hề có vết tích nào của sâu bệnh phát tán” - Chi cục Bảo vệ thực vật Bến Tre nhận định.

Thiệt hại tiền tỉ

Về việc bán chỉ định số rừng trên, ngày 17-12, bà Trương Thị Yến, Phó Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định giá và bán đấu giá tài sản tỉnh Bến Tre, gửi báo cáo cho cơ quan điều tra, khẳng định việc bán tài sản của Nhà nước không qua đấu giá là sai quy định.

Theo kết quả thẩm định, tổng giá trị thiệt hại do BQL rừng bán chỉ định cho DNTN gỗ Tuấn An là gần 2,1 tỉ đồng. Trong đó, giá trị thiệt hại do bán chỉ định trên 1,1 tỉ đồng, thiệt hại do củi giảm chất lượng gần 977 triệu đồng. Để khắc phục hậu quả, cơ quan chức năng của tỉnh đã bán đấu giá toàn bộ số gỗ còn lại trong rừng cho một đơn vị khác trúng thầu khai thác.

Ngày 26-12, Đại tá Lê Minh Trung, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre, cho biết toàn bộ vụ việc có dấu hiệu sai phạm khá nghiêm trọng. Hiện cơ quan điều tra đang thu thập và củng cố chứng cứ để báo cáo UBND tỉnh.

Giải trình sai phạm trên, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho rằng việc cho khai thác tận thu gỗ đước là do rừng bị chết vì bị sâu bệnh tấn công, không thể sử dụng hóa chất phun xịt vì gây thiệt hại cho thủy sản nuôi dưới tán rừng. Ngoài ra, việc Sở cho phép BQL rừng được bán gỗ đước chỉ định là do thời gian quá gấp rút (để kịp mùa vụ trồng rừng mới) nên không thể thực hiện quy trình thông báo mời thầu và bán đấu giá (?!).

TÂM PHÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm