DN châu Âu mặc niệm cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Nghi lễ này diễn ra tại lễ giới thiệu Sách Trắng năm 2018 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) với chủ đề “30 năm đầu tư nước ngoài, 20 năm thành lập EuroCham, 10 năm ra mắt Sách Trắng" tại TP.HCM, ngày 21-3.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã dành một phút mặc niệm cho cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: P.ĐIỀN

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam, cho hay ông đến Việt Nam vào năm 1993. Giai đoạn đó, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người đang thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam, hỗ trợ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và tạo điều kiện cho đầu tư tư nhân tại Việt Nam. "Tôi nhận thấy ông ấy là một người rất cởi mở đối với ý tưởng mở cửa nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu" -ông Nicolas Audier nhận xét.

Ông Nicolas Audier bình luận thêm: "Các bạn có thể nhớ, vào giai đoạn đó Việt Nam và Mỹ đã ký kết được hiệp định thương mại. Việt Nam cũng khởi động đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào thời gian đó.

"Đối với chúng tôi, những người đã ở lại Việt Nam nhiều năm qua, ông Phan Văn Khải chính là người đã mở cửa đất nước Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu. Đó cũng chính là lý do mà ngày hôm nay, Văn phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam tổ chức một phút mặc niệm dành cho ông".

PV Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi ngắn với ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam.

. Phóng viênVậy theo ông, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã giúp Việt Nam có được những thành tựu gì trong mối quan hệ với châu Âu?

+ Ông Nicolas Audier: Trong giai đoạn đầu thập niên 1990, giai đoạn đầu của chính sách đổi mới, vào thời điểm đó, những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam phần nhiều là các công ty từ châu Âu. Một ví dụ đáng chú ý là BFC - một ngân hàng thương mại lớn của Pháp đã hỗ trợ chính phủ Việt Nam tiếp cận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Thông qua đó, Việt Nam có thể tiếp cận được Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nhiều ngân hàng quốc tế. Như vậy thời điểm đó, châu Âu từ rất sớm đã quan sát, giúp đỡ và hỗ trợ chính phủ Việt Nam tiếp cận với nền kinh tế toàn cầu.

Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam, đánh giá nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chính là người đã mở cửa đất nước Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: P.ĐIỀN

Một trong các nước châu Âu là Pháp đã nỗ lực giúp đỡ chính phủ Việt Nam xây dựng nhiều văn bản pháp luật, trong đó có Luật Thương mại. Tôi có mặt tại Việt Nam vào thời điểm đó. Chúng tôi làm việc thường xuyên với GS Lưu Văn Đạt, một chuyên gia về pháp luật tại Việt Nam. Ông Phan Văn Khải đã giúp đỡ quá trình này rất nhiều.

. Cụ thể, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã thúc đẩy quá trình hội nhập như thế nào?

+ Ông Phan Văn Khải, với cương vị là thủ tướng Việt Nam, là người đã thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân tại Việt Nam và đã mở cửa Việt Nam cho dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ông ấy thật sự đã cống hiến rất nhiều.

Trong giai đoạn 1996, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á bùng nổ với khởi đầu là Thái Lan. Tôi nhận thấy có nhiều bàn tán phân vân Việt Nam nên đóng cửa hay mở cửa, nên dừng nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài hay không. Khi đó, bất chấp cuộc khủng hoảng, ông Phan Văn Khải luôn luôn là người kêu gọi mạnh mẽ nhất cho việc mở cửa kinh tế Việt Nam.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm