Doanh nghiệp có quyền khởi kiện kiểm toán

Chiều 7-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) khóa XIV, QH họp phiên toàn thể tại hội trường và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Thêm quyền cho KTNN

Tại buổi thảo luận, các đại biểu (ĐB) QH cơ bản tán thành sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật KTNN, đồng thời các ĐB cho ý kiến về nhiều nội dung của dự thảo luật như: quy định về quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán; việc bổ sung quy định để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; việc bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp; về bổ sung quy định KTNN thực hiện xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng KTNN; việc bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng; quy định để tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…

Các ĐB cho rằng làm rõ các công việc, quyền của KTNN như trên là tránh sự chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra và kiểm toán nhưng không giảm sức nóng của công cuộc phòng, chống tham nhũng.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Hòa Bình) cho rằng: Trên thực tế, các vụ án tham nhũng không khó chứng minh được yếu tố vụ lợi nên ngoài việc tham gia các vụ án tham nhũng, cần quy định KTNN có thẩm quyền tham gia vào các vụ án kinh tế.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng: Thực tế nhiều đơn vị cố tình che đậy, không cung cấp thông tin cho KTNN. Từ đó ĐB Cường đề nghị cần phải “bổ sung quy định về thẩm quyền truy cập dữ liệu điện tử liên thông của các tổ chức, đơn vị để có thể thực hiện tốt công tác giám sát, hậu kiểm quá trình sử dụng tài chính công, tài sản công”.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ đức Phớc tại buổi thảo luận về dự luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi chiều 7-6. Ảnh: QH

Chống tham nhũng trong chính KTNN

ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) nói: Cần giao cho kiểm toán các quyền độc lập, chức năng được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời giao quyền được xử phạt vi phạm hành chính. “Chúng ta cần có sự minh bạch trong quá trình kiểm toán. Có thể thành lập một cơ quan trung gian để kiểm toán lại các kết luận của KTNN mà cá nhân, tổ chức được kiểm toán cho là chưa đúng. Ở câu chuyện này, đơn vị được kiểm toán có quyền khiếu nại” - ĐB Sinh nói.

Nhiều ĐB cho rằng hiện nay Luật KTNN đã có quy định về nguyên tắc hoạt động kiểm toán là công khai, minh bạch và việc công khai báo cáo; báo cáo kiểm toán, báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm, báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Như vậy, ngoài những nguyên tắc về công khai, minh bạch thì lần này KTNN còn thực hiện một số nội dung công khai riêng theo Luật KTNN mới.

ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) đánh giá cao việc bổ sung quyền khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân về báo cáo kiểm toán, về trách nhiệm của trưởng đoàn kiểm toán, về thành viên đoàn kiểm toán nếu để xảy ra sai phạm… “Đây là sự thể hiện tính minh bạch, nghiêm minh của KTNN” - ĐB Bố Thị Xuân Linh nói.

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng dự thảo luật bổ sung nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN so với luật hiện hành. “Việc sửa đổi, bổ sung luật lần này cần bảo đảm rõ ràng, có đủ cơ chế để thực hiện giám sát, góp phần thực hiện phòng, chống tham nhũng ngay trong chính bộ máy của KTNN, người làm công tác kiểm toán” - ĐB Ninh Thuận nhấn mạnh.

“Tôi ủng hộ khiếu nại, khởi kiện”

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết thực tiễn hiện nay nổi lên ba vướng mắc mà việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN lần này cần giải quyết. Đó là chưa có quy định về việc theo đuổi đến cùng quyền khiếu nại, tố cáo của người nộp thuế. Hai là kết luận của KTNN không giống với bản án đã có hiệu lực của tòa án là có giá trị bắt buộc thi hành nhưng hiện nay kết luận của KTNN lại có giá trị bắt buộc thực hiện và không có cơ chế tố tụng. Ba là Tổng KTNN không có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính cho nên gặp khó khăn trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo về kết luận kiểm toán.

Do đó, ĐB Lê Thanh Vân đề nghị bổ sung trong dự thảo luật quy định về tố tụng kiểm toán theo hai hướng là “tố tụng” trong nội bộ hoạt động kiểm toán ở cấp khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động kiểm toán ban đầu, khiếu nại lên Tổng KTNN, khiếu nại lên Hội đồng Kiểm toán và tố tụng tại tòa án. Đồng thời, Luật Quản lý thuế ghi nhận quyền người nộp thuế trong trường hợp không thỏa mãn với kết luận kiểm toán thì có quyền khởi kiện.

Giải trình trước QH, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết việc bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp, quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng KTNN… đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đặt ra. Các luật liên quan không có quy định về vấn đề này nên gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của KTNN.

Ông Hồ Đức Phớc nêu dẫn chứng thực tiễn các cơ quan điều tra vẫn có yêu cầu KTNN tham gia giám định tư pháp đối với các vụ án tham nhũng nhưng Luật Giám định tư pháp không có quy định nên KTNN khó thực hiện. Về quyền xử phạt hành chính thì dự thảo luật chỉ quy định xử phạt hành chính đối với hành vi cản trở và chống đối trong quá trình kiểm toán, do đó cần có cả xử lý hình sự. Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ đề nghị ban hành văn bản trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng nên cần mở thêm ở các lĩnh vực khác.

Việc bổ sung quy định quyền xử phạt hành chính, Tổng KTNN nói nếu QH xem xét thì KTNN chỉ xử phạt hai việc: cản trở không cung cấp tài liệu và chống đối kiểm toán. “Còn quy định như thế nào thì Chính phủ quy định chi tiết. Thực tế trên thế giới các quốc gia đều quy định xử phạt hành chính. Thậm chí Hàn Quốc còn phạt tù về những vấn đề này” - Tổng KTNN cho hay.

Tổng KTNN cũng cho rằng quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán đã được quy định. “Cho nên đợt này xây dựng luật, chúng tôi cũng đề nghị các đơn vị có liên quan có quyền khiếu nại báo cáo của KTNN hoặc khởi kiện ra tòa” - ông nói.

Tổng Kiểm toán Nhà nước = Giống trung

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng hệ thống pháp luật về kiểm toán hiện chưa vững chắc. Nguồn gốc của vấn đề này nằm ở chỗ KTNN là cơ quan do QH thành lập nhưng lại chịu sự chi phối của Chính phủ.

“Trên thế giới có nhiều mô hình kiểm toán. Một là kiểm toán trực thuộc nghị viện, hai là trực thuộc chính phủ, ba là thuộc hệ thống tư pháp. Nhưng hệ thống kiểm toán của chúng ta hiện nay đang “á tính” (trong tiếng Nga có danh từ giống đực, giống cái và giống trung. KTNN hiện ở tình trạng á tính, giống trung như vậy). Một bên QH thành lập nhưng vẫn chịu chi phối kế hoạch hoạt động của Chính phủ. Tôi nghĩ đây là gốc rễ mà lần này chúng ta phải sửa đổi triệt để” - ĐB vân nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm