Độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ: Không nhân nhượng!

Báo cáo chi tiết của Chính phủ điểm qua tình hình kinh tế thế giới, những phức tạp của thương mại, tài chính, tiền tệ và khẳng định: “Tình hình khu vực, biển Đông diễn biến rất phức tạp”.

Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chúng ta kiên định mục tiêu đề ra, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là không thể nhân nhượng".

Sau khi đề cập những giải pháp như cắt giảm điều kiện kinh doanh, tăng tính nghiêm minh thực thi pháp luật, hoàn thiện thể chế, chính sách, đề ra giải pháp, Thủ tướng nói: “Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cấp, các ngành đã hết sức quan tâm, trực tiếp đến các địa phương, cơ sở, kiểm tra thực tế, chỉ đạo sâu sát, giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, bức xúc trên các lĩnh vực”.

Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, báo cáo do Thủ tướng trình bày cho biết công tác này đã được triển khai quyết liệt, “kịp thời phát hiện và xử lý nhiều sai phạm, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân”.

Báo cáo của Chính phủ đã dành một thời lượng đáng kể đề cập đến tình hình biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày: “Tình hình biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao”.

Thủ tướng nói tiếp: “Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước”.

Theo Thủ tướng, nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã được áp dụng. Đấu tranh trên thực địa cũng được tiến hành.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước. Chủ trương này của Đảng, Nhà nước “đã nhận được sự đồng tình, chung sức của nhân dân cả nước và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế”.

Trong phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình biển Đông. 

Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề cập đến tình hình phức tạp tại biển Đông và cho biết: "Quốc hội sẽ thảo luận về vấn đề này".

Thủ tướng khẳng định rằng: “Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, dự kiến chúng ta sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó năm chỉ tiêu vượt kế hoạch”.

Theo Thủ tướng, “đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét. Thế và lực của ta không ngừng được củng cố; uy tín quốc tế được nâng lên”.

Trích lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay - như lời đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã phát biểu, góp phần quan trọng tạo sự phấn khởi, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, quốc tế”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy