Đòi giấy tờ đất, tòa có quyền xử?

Năm 2009, bà L. mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mẹ chồng để thế chấp vay bà N. 30 chỉ vàng. Đến năm 2011, bà L. mất khả năng chi trả nên bà N. khởi kiện đòi nợ. Riêng mẹ chồng của bà L. thì đòi bà N. phải trả lại giấy tờ đất cho mình.

Bác yêu cầu đòi giấy tờ

Xử sơ thẩm, TAND một huyện ở Tiền Giang đã tuyên buộc bà L. trả cho bà N. 30 chỉ vàng. Đồng thời, tòa cũng tuyên buộc bà N. trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mẹ chồng của bà L.

Không đồng ý với phán quyết của cấp sơ thẩm, các đương sự kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng theo Công văn 141 ngày 21-9-2011 của TAND Tối cao về thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, tòa không được giải quyết yêu cầu đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mẹ chồng bà L. Mặt khác, thời gian tòa án cấp sơ thẩm xét xử trước thời điểm có công văn trên, thời điểm xét xử phúc thẩm thì lại sau khi có công văn này nên HĐXX quyết định đình chỉ yêu cầu độc lập của mẹ chồng bà L.

Đòi giấy tờ đất, tòa có quyền xử? ảnh 1

Nhiều tranh cãi

Theo nhiều chuyên gia pháp lý, công văn nêu trên của TAND Tối cao đã dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Theo mục 3 của Công văn 141: Trường hợp người khởi kiện “chỉ” đòi lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản do người khác đang chiếm giữ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở…) thì tòa án giải quyết như sau: Thứ nhất, trường hợp chưa thụ lý vụ án thì tòa án trả lại đơn kiện với lý do không thuộc thẩm quyền giải quyết. Thứ hai, nếu đã thụ lý thì đình chỉ giải quyết vụ án…

Các chuyên gia cho rằng mục 3 của công văn hướng dẫn cách thức tòa án giải quyết trong “trường hợp người khởi kiện chỉ đòi lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản do người khác đang chiếm giữ”. Như vậy, nếu trường hợp người khởi kiện có đồng thời nhiều yêu cầu hoặc trong vụ án có nhiều yêu cầu khác nhau, trong đó có yêu cầu đòi lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản thì tòa vẫn thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nếu có yêu cầu đòi giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản thì tòa không thụ lý giải quyết chứ không phân biệt là chỉ một yêu cầu đòi lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản hay có đồng thời nhiều yêu cầu hoặc trong vụ án có nhiều yêu cầu khác nhau trong đó có yêu cầu đòi lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản...

Mỗi nơi áp dụng mỗi khác

Mấy năm trước, anh S. mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mẹ ruột để vay vàng của anh D. Năm 2012, anh D. khởi kiện yêu cầu anh S. trả 40 chỉ vàng. Mẹ của anh S. (người liên quan trong vụ án) có yêu cầu độc lập yêu cầu anh D. trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình.

Sau khi xem xét yêu cầu của mẹ anh S., hai cấp tòa ở tỉnh Tiền Giang đã thông báo trả lại đơn với lý do yêu cầu độc lập của mẹ anh S. không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Mẹ anh S. khiếu nại. Chánh án TAND huyện ra quyết định giữ y việc trả lại đơn. Sau đó, chánh án TAND tỉnh hủy quyết định của chánh án TAND huyện, yêu cầu thụ lý giải quyết yêu cầu của đương sự.

Rõ ràng hai trường hợp đề cập trong bài viết hoàn toàn giống nhau nhưng việc áp dụng trong cùng một địa phương lại có những quan điểm khác nhau, không thống nhất. Điều này đã làm giảm đi tính nghiêm minh của pháp luật. Vấn đề này cần được nghiên cứu, hướng dẫn để thực hiện cho thống nhất.

MINH KHÁNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm