Đòi tài sản là tranh chấp gì?

Theo đơn khởi kiện của ông Đ., trước đây ông đã mua hai mảnh đất có trồng cà phê và cây ăn trái. Trên hai mảnh đất còn có hai ngôi nhà gỗ, một ngôi nhà tạm và hai giếng nước.

Sau đó, vì phải đi xa làm việc, ông đã nhờ gia đình người chị trông coi nhà cửa, vườn tược.

Đầu năm 2007, ông nghe tin gia đình người chị đã đăng ký quyền sử dụng đất và tặng mảnh vườn cho con gái nên đã đòi gia đình người chị phải trả lại. Tuy nhiên, gia đình người chị đã không đồng ý…

Do vậy, ông đã khởi kiện ra TAND huyện Krông Năng (Dăk Lăk) yêu cầu gia đình người chị phải trả lại số tài sản trên, bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. 

Lúc thế này, khi thế khác

Trong quá trình xử lý vụ việc, các tòa đã có những nhận định khác nhau về quan hệ tranh chấp này. Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa án huyện xác định tranh chấp trên là “tranh chấp quyền sử dụng đất”. Tuy nhiên, khi xét xử sơ thẩm (lần một), tòa lại nhận định đây là “tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất”.

Đòi tài sản là tranh chấp gì? ảnh 1

Sau khi án sơ thẩm bị kháng cáo, cấp phúc thẩm nhận định trong quyết định đưa vụ án ra xét xử là “tranh chấp quyền sử dụng đất”. Thế nhưng khi ra bản án, tòa lại xác định là “tranh chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất”. Bản án phúc thẩm này đã hủy án sơ thẩm để đưa về cấp sơ thẩm xét xử lại theo thủ tục chung.

Án quay về tòa án huyện thì một lần nữa, quan hệ tranh chấp lại được xác định khác hẳn với những lần trước. Thẩm phán thụ lý cho rằng tranh chấp này là “tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản” chứ không phải là tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Còn trong một số văn bản gửi cho cơ quan chức năng về những vấn đề liên quan đến vụ án, tòa lại nhận định đây là tranh chấp “kiện đòi lại tài sản”. Tuy nhiên, đến nay vụ án vẫn chưa được xử sơ thẩm lần hai...

Phải xác định đúng quan hệ

Nhiều ý kiến đã cho rằng việc xác định đúng quan hệ tranh chấp là rất cần thiết trong khi giải quyết án. Bởi lẽ nó sẽ định hướng được đường lối xử lý của tòa, các văn bản luật sẽ được áp dụng, đặc biệt là việc cung cấp chứng cứ của các đương sự để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Trong vụ án, nếu các tòa xác định mối quan hệ pháp luật lúc thế này, lúc thế khác, hoặc xác định sai thì sẽ làm khổ đương sự vì phải quay mòng mòng tìm chứng cứ để phục vụ theo quan điểm của tòa. Trên thực tế có nhiều tòa không quan tâm đến việc này nên nhiều lúc đã bị đương sự khiếu nại vì “tôi kiện vấn đề A sao tòa lại xác định là B”. Tòa lại mệt mỏi để xử lý khiếu nại.

Trở lại với vụ kiện, nhiều ý kiến cho rằng tòa cấp sơ thẩm lần đầu xác định đây là “tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất” là hợp lý nhất. Bởi khi xử lý án, tòa sẽ phải xem xét đến nguyên gốc tài sản, quá trình sử dụng, việc thỏa thuận nhờ trông coi tài sản của hai bên ra sao thì mới giải quyết được bản chất vấn đề.

Kháng nghị vì sai sót

Sau bản án sơ thẩm lần một của tòa án huyện, VKSND huyện Krông Năng đã có kháng nghị cho rằng TAND huyện đã thiếu sót, không đề cập đầy đủ yêu cầu khởi kiện của ông Đ., vi phạm khoản 1 Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự. Cụ thể, ông Đ. khởi kiện đòi lại quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất nhưng trong thông báo thụ lý vụ án, tòa chỉ thụ lý việc tranh chấp quyền sử dụng đất mà không hề đề cập gì đến tài sản gắn liền trên đất. Cùng với những sai sót khác, VKS đề nghị cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm. Sau đó, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Dăk Lăk đã chấp thuận đề nghị này của viện, hủy án sơ thẩm, giao về cấp sơ thẩm xử lại như đã nêu.

HÀ AN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm