Đòi tiền bán heo, án dân sự hay kinh tế?

Sau một thời gian làm ăn, tích lũy được số vốn kha khá, năm 2008 ông N. quyết định mở trang trại chăn nuôi để cung cấp heo giống và thịt cho các thương lái ở TP.HCM.

Thụ lý án dân sự

Trong thời gian chăn nuôi, ông N. đã mua của anh T. 150 con heo nái với giá 900 triệu đồng. Sau đó, chẳng may xuất hiện dịch heo tai xanh, ông N. phải bán tháo bán đổ hàng ngàn con heo của mình với giá rẻ. Việc này khiến ông lỗ nặng dẫn đến phá sản nên cũng chỉ mới thanh toán được cho anh T. 200 triệu đồng, còn nợ lại 700 triệu đồng.

Thấy mình cũng đang rơi vào cảnh khó khăn, anh T. yêu cầu ông N. trả số tiền còn thiếu, cộng thêm phần lãi suất do chậm thanh toán theo hợp đồng kinh tế hai bên đã ký. Không được đáp ứng, anh T. khởi kiện ra một tòa án huyện ở Tiền Giang.

Đòi tiền bán heo, án dân sự hay kinh tế? ảnh 1

Mặc dù hai bên có ký hợp đồng kinh tế nhưng chỉ bên ông N. đăng ký kinh doanh nên tòa thụ lý theo loại án dân sự. Vị thẩm phán nhận đơn cho rằng nếu chủ thể tham gia giao dịch cùng là cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh và giao dịch đó phải vì mục đích lợi nhuận thì mới có thể thụ lý theo loại án kinh doanh thương mại (gọi tắt là án kinh tế).

Phải là tranh chấp kinh tế

Không đồng ý với quan điểm trên, vị thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án khẳng định đây phải là án kinh tế.

Theo vị thẩm phán này, điểm b tiểu mục 1.1 khoản 1 Mục I Nghị quyết 01 (năm 2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao) hướng dẫn: “Tòa kinh tế có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 29 và Điều 30 của BLTTDS; các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh nhưng đều có mục đích lợi nhuận”. Như vậy điều kiện để xác định loại vụ án kinh doanh thương mại là mục đích lợi nhuận của giao dịch đã thực hiện.

Vì coi đây là án kinh tế nên thẩm phán giải quyết vụ án đã xác định luật nội dung áp dụng trong tranh chấp là luật thương mại chứ không phải là luật dân sự như thẩm phán nhận đơn đã xác định.

Chuyển loại án sai?

Một vấn đề khác đặt ra trong vụ án là điểm đ tiểu mục 1.1 khoản 1 Mục I Nghị quyết số 01 cũng quy định: “Trong trường hợp khó xác định được tranh chấp hoặc yêu cầu đó thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của tòa chuyên trách nào thì chánh án TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương quyết định phân công cho một tòa chuyên trách giải quyết theo thủ tục chung. Trường hợp sau khi thụ lý vụ việc dân sự mới phát hiện được vụ việc dân sự thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của tòa chuyên trách khác thì tòa chuyên trách đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục chung nhưng cần ghi số, ký hiệu và trích yếu trong bản án...”. Như vậy liệu thẩm phán TAND cấp huyện có quyền thay đổi loại vụ án?

Một số ý kiến cho rằng TAND cấp huyện không có tòa chuyên trách nên không thể áp dụng các hướng dẫn trên trong trường hợp của ông N. và anh T. được. Thẩm phán thụ lý vụ án ở tòa huyện đã chuyển loại vụ án không đúng quy định. Nếu thấy có cơ sở cần phải chuyển loại vụ án thì TAND cấp huyện cần phải chuyển vụ án lên cho TAND cấp tỉnh giải quyết theo thẩm quyền.

Cần linh hoạt xử lý

Bảo vệ cho quan điểm của mình, vị thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án giữa anh T. và ông N. cho rằng mặc dù về mặt câu từ, hướng dẫn của Nghị quyết 01 đều đề cập đến tòa kinh tế (tòa chuyên trách chỉ có ở cấp tỉnh) nhưng đối với vấn đề trên, thẩm phán giải quyết án cần linh hoạt áp dụng pháp luật phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, có thể áp dụng tương tự pháp luật để áp dụng các hướng dẫn trên để chuyển loại vụ án như đã phân tích ở trên. Do vậy, khi nhận thấy việc xác định loại vụ án không đúng thì thẩm phán TAND cấp huyện cũng có thể thay đổi loại vụ án để giải quyết chứ không cần phải chuyển lên TAND cấp tỉnh...

MINH KHÁNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm