Động thái mới ngăn Youtube nhảm, giật gân ở Việt Nam

Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) vừa có công văn gửi Công ty Google nêu thực trạng: “Hiện nay trên YouTube đang tồn tại nhiều kênh và video hướng tới đối tượng người xem là giới trẻ có nội dung không lành mạnh, vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam”.

Nhiều lần cảnh báo nhưng chưa được giải quyết

Công văn của Cục nêu dẫn chứng các kênh, video dành cho trẻ em nhưng có hình ảnh dung tục, phản cảm, nội dung nhảm nhí, cổ súy việc chơi cờ bạc, thử ma túy, kích động bạo lực...

Các phim ngắn về giang hồ học đường nhan nhản trên mạng. Ảnh: HB

Theo Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Cục Phát thanh), thực trạng này đã được Cục nhiều lần cảnh báo và yêu cầu xử lý nhưng vẫn chưa được Công ty Google giải quyết triệt để.

Cục nhận thấy các kênh YouTube này đều là các kênh cá nhân hoạt động độc lập, không chịu sự quản lý của các công ty quản lý mạng đa kênh của YouTube tại Việt Nam (Multi-channel Network – MCN).

Cục Phát thanh tiếp tục đề nghị Công ty Google tăng cường rà soát, chấn chỉnh, xử lý, cụ thể:

Ngừng việc chia sẻ tiền quảng cáo đối với các kênh YouTube có nội dung nhảm nhí, giật gân khi có yêu cầu của Cục Phát thanh, nhằm bảo vệ người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, và cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung có uy tín tại Việt Nam. Nếu kênh tiếp tục vi phạm, Cục sẽ đề nghị YouTube ngăn chặn, gỡ bỏ kênh.

Tăng cường bộ lọc và công cụ kỹ thuật để chủ động rà soát, phát hiện các kênh, video có nội dung nhảm nhí, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ để tiến hành ngăn chặn, gỡ bỏ.

Xem xét, yêu cầu các kênh YouTube được bật kiếm tiền tại Việt Nam đăng ký vào các MCN của YouTube tại Việt Nam, đồng thời tăng số lượng MCN nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động của các kênh này. 

Rà soát, chấn chỉnh các kênh YouTube 

Trước đó, ngày 12-10-2020, Cục Phát thanh cũng có công văn gửi các MCN (Multi-channel Network), với vai trò là mạng đa kênh của YouTube tại Việt Nam tăng cường rà soát, chấn chỉnh các kênh YouTube thuộc mạng lưới quản lý của mình, cụ thể:

Yêu cầu các chủ kênh YouTube tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam trong việc cung cấp, quản lý nội dung và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ liên quan đến thuế. Không đăng tải các video clip có nội dung vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, ví dụ như các kênh, video hướng tới đối tượng người xem là giới trẻ nhưng có hình ảnh dung tục, phản cảm, nội dung nhảm nhí, cổ súy việc chơi cờ bạc, thử ma túy, kích động bạo lực, giang hồ mạng...

Các MCN tăng cường giám sát, bổ sung nhân sự, bộ lọc và công cụ kỹ thuật để chủ động rà soát, phát hiện các kênh, video có nội dung vi phạm để kịp thời xử lý.

Cục Phát thanh cũng sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm các đối tượng chủ kênh YouTube và các MCN vi phạm.

Khá “bảnh” (phải), dương minh tuyền với những clip đăng trên mạng tạo nhận thức lệch lạc cho lớp trẻ. Ảnh: PV

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Theo Cục Phát thanh, động thái của đơn vị này để thực hiện để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 8305/VPCP-NC ngày 5-10-2020, trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT và Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành xử lý tình trạng tràn lan các video có nội dung nhảm nhí, giật gân, nhằm mục đích lôi kéo càng nhiều lượt xem càng kiếm được nhiều tiền trên mạng xã hội, trong đó có YouTube.

Đây cũng là nội dung được đề cập tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 4-11 của Quốc hội.

Tại đây, đại biểu Lưu Thành Công (tỉnh Vĩnh Long) dành phần lớn thời lượng phát biểu của mình đề cập đến thực trạng các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng ngày càng nhiều.

Theo ông Công, không gian mạng gần đây xuất hiện nhiều thành phần giang hồ, dùng chiêu trò lừa gạt, thông tin thất thiệt tác động xấu đến môi trường Internet.

Ông nói nhiều kênh YouTube đưa thông tin nhảm nhí, ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục, tuyên truyền mê tín, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ một số tập thể, cá nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội.

“Không ít vụ tai nạn dẫn đến tử vong ở trẻ em mà nguyên nhân là trẻ học theo những trò chơi nhảm nhí, thiếu khoa học, thiếu văn hóa trên các kênh YouTube”- ông Công nói.

Vị đại biểu này cũng bày tỏ quan ngại: Điều đáng nói là clip này không cảnh báo cho trẻ em hay giới hạn độ tuổi.

Thay mặt cử tri, ông đề nghị Chính phủ có giải pháp thiết thực hơn nữa, tăng cường an ninh, trật tự trong lĩnh vực mạng. Luật cần bổ sung các quy định pháp lý, ràng buộc đối với các kênh YouTube cũng như video trên các trang mạng.

“Tăng cường xử phạt hành chính, nếu cần truy cứu hình sự đúng theo quy định của pháp luật đối với những cá nhân vi phạm ở lĩnh vực này”, ông Công bày tỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm